Tại điểm thi Đại học Công đoàn, ông Nguyễn Thành Long, đưa cháu đi thi chia sẻ: “Hôm nay mẹ cháu đưa hai ông cháu đến trường thi. Tôi (ông của thí sinh-PV) ngồi ngoài này đợi cháu cho yên tâm, phòng ngừa những tình huống bất trắc xảy ra như ốm đau hay quên mang giấy tờ thì còn có người lớn ở bên cạnh.”.
Mang theo cả áo mưa, nước uống và cả quần áo cho cháu gái, phòng khi bị mưa ướt sẽ có đồ thay, ông Long tâm sự thêm: “Các con đi thi mệt mỏi vất vả, ông bà bố mẹ ở nhà lại vất vả kiểu khác. Từ hôm cháu nó đi thi, tôi không ngủ được đêm nào. Trước ngày thi 2 tháng, đã cho cháu đi Văn miếu thắp hương,để cháu an tâm. Lúc cháu học nhiều quá cũng sợ, bắt phải nghỉ ngơi vì lo cháu ốm. Mấy ngày thi, buổi sáng mẹ cháu đưa đến trường, còn tôi ở lại đây đợi, không giải quyết vấn đề gì nhưng cũng thấy bớt lo hơn".
Ông Nguyễn Thành Long cho rằng Bộ Giáo dục không nên để môn Toán là môn thi đầu tiên. |
Ông Long cho biết, sau khi thi về không dám cho cháu so kết quả ngay, nhất là môn Toán vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý. “Tôi và nhiều phụ huynh khác cùng đợi con đi thi cảm thấy việc đưa môn Toán lên thi đầu tiên như 2 năm nay là chưa hợp lý. Vì thi xong các cháu có thể dự đoán được điểm ngay. Có cháu làm tốt, có cháu làm không tốt, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ở những môn thi sau”.
Phụ huynh Trần Hà, ngồi ghế đá đợi con liên tục mở điện thoại ra xem giờ. Chị chia sẻ: “Tôi ở đây với con từ sáng. Nhà ở tận Hà Tây(cũ) nên buổi trưa hai mẹ con cũng phải ở lại trường, đưa con đi ăn phở rồi nghỉ ngơi cho đỡ mệt, chiều vào thi tiếp. Con nhà tôi yếu, nên lúc nào mẹ cũng phải chuẩn bị đầy đủ thuốc cảm, bánh sữa đi cho con. Chỉ sợ con thi cử vất vả lại ốm. Môn toán thi đầu tiên cháu làm bài không được tốt, nên lúc nào mẹ cũng phải ở bên động viên cho con bớt căng thẳng”.
Vội vã đến trường đợi con trong cơn mưa, chị Thúy Hiền, có con thi tại điểm thi Đại học Thủy Lợi chia sẻ: “Con đi thi, bố mẹ cũng không ngủ được vì lo lắng, hôm nay con nhà tôi xin tự đi thi bằng xe đạp điện. Biết là con mang áo mưa đi rồi, nhưng thấy mưa gió vẫn cứ phải đến đợi con ngoài cổng để đón cho yên tâm, rồi lát nữa hai mẹ con lại mỗi người về một xe”.
Kể thêm về hai ngày thi, chị Hiền cho biết môn Toán và Ngữ văn con trai chị làm ở mức khá, còn môn Tiếng Anh chỉ mong qua điểm liệt để đỗ tốt nghiệp. Khi được hỏi về nguyện vọng mong muốn chọn trường nào, mà cụ thể là ngành gì, chị Hiền lại tỏ ra lo lắng hơn: “Thực tế thi cử thế này như đánh bài liều, phải đợi đến lúc có điểm mới chọn được trường nộp hồ sơ chứ. Còn chọn ngành nào, thú thực gia đình cũng mong muốn cháu vào ngành Y, nhưng mức thi không mấy khả quan nên chắc chuyển sang học cao đẳng hoặc trung cấp”.
Nhiều phụ huynh khoác áo mưa đợi con ngoài cổng trường. |
Không quá căng thẳng khi đưa con đi thi, phụ huynh Phạm Xuân Tỉnh, cho biết: “Những môn thi trước cháu làm bài khá tốt, tôi cũng không cảm thấy quá lo lắng, nói chung là tâm lý khá thoải mái. Đỗ tốt nghiệp thì chắc không khó, giờ chỉ lo không biết cho con đăng ký vào ngành nào, trường nào sau khi biết điểm”.
Thấp thỏm đợi con bên ngoài, nhiều phụ huynh bày tỏ đến thời điểm này vẫn còn hoang mang, không biết nên khuyên con chọn ngành gì, trường nào.
Chị Thu Trà nói: “Đến giờ gia đình vẫn chưa chốt được cho cháu nên chọn ngành nào. Bố mẹ muốn con theo ngành kế toán hay sư phạm cho nhàn, nhưng con lại không thích, muốn theo nghề hướng dẫn viên du lịch. Bây giờ ép cũng không được, mà để con chọn theo sở thích hiện tại thì sợ rằng sẽ không phù hợp với con sau này”.
Đưa con đi thi từ sáng sớm, anh Mạnh Cường, Sóc Sơn- Hà Nội chia sẻ: “Lo lắng thì lúc nào cũng có, những môn thi trước con làm khá tốt, nên cũng không quá căng thẳng, nhưng bố mẹ lại lo lắng sau khi có điểm rồi thì nộp hồ sơ vào trường nào, vì đến giờ vẫn chưa xác định được ngành học sau này cho con”./.