Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT xin ý kiến rộng rãi của xã hội.
Điều đặc biệt lưu ý trong dự thảo có một số điểm mới như: Nếu như năm 2018, việc chấm thi THPT quốc gia được giao cho địa phương, thì năm nay, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì. Ngoài ra, các bài thi trắc nghiệm của thí sinh đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp.
Sở GD-ĐT Sơn La, nơi được phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tinh vi hơn ở Hà Giang. |
Tuy nhiên, trong hai năm 2017 và 2018, Bộ lại giao việc chấm thi cho các địa phương chủ trì kết hợp với các trường ĐH thực hiện. Kết quả của việc chấm thi năm 2017 bị phản ánh là có “mưa điểm 10” vì đề thi quá dễ nên không phát hiện ra tiêu cực. Còn năm 2018, đề thi được đánh giá là quá khó nên mới phát hiện gian lận thi cử.
Chính từ những bất cập trên nên năm 2019, Bộ GD-ĐT sửa lại quy chế thi, giao việc chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH chủ trì. Đây là việc làm đúng đắn nhằm lấy lại sự công bằng, khách quan, trung thực cho kỳ thi và chống gian lận, tạo thuận lợi cho các trường ĐH chọn được thí sinh ưng ý khi xét tuyển.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác chấm thi, các trường ĐH cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình của các địa phương, các trường THPT. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT có thể đề xuất với Chính phủ cấp thêm kinh phí để hỗ trợ các trường, địa phương thực hiện công tác coi thi, chấm thi.
Theo GS.TS Đinh Văn Sơn, một trong những yếu tố quan trọng để chống gian lận thi cử là cần có bộ đề thi với ngân hàng câu hỏi đạt chuẩn, phân loại được trình độ của thí sinh, tránh tình trạng đề thi quá dễ hoặc quá khó.
Đứng ở góc độ ở địa phương, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội lại cho rằng, nhìn vào bức tranh coi thi, chấm thi năm 2018 cho thấy, việc chấm thi được giao cho các địa phương chủ trì có sự giám sát của các trường ĐH nhưng vẫn xảy ra hàng loạt đường dây gian lận thi cử ở nhiều địa phương. Điều này cho thấy còn có sự bất cập trong khâu giám sát, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi.
Vì thế, để kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 được an toàn, nghiêm túc, không có tiêu cực thì không chỉ các trường ĐH chủ trì chấm thi mà cần sự vào cuộc của tất cả các địa phương, lực lượng an ninh, thanh tra...
Việc xét tốt nghiệp THPT theo tỷ lệ 70/30 cần sự trung thực về kết quả bài làm của thí sinh (ảnh minh họa) |
Bài thi trả lời trắc nghiệm của thí sinh đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp là ý tưởng hay. Tuy nhiên, theo ông Quốc Bình, nếu Bộ không có sự kiểm soát chặt chẽ quy trình chấm thi bằng máy thì vẫn có những kẽ hở để xảy ra tiêu cực.
Tỷ lệ điểm 70/30 còn nhiều băn khoăn
Điểm mới trong dự thảo quy chế thi năm 2019 còn ở cách thức xét tốt nghiệp THPT được tính theo công thức 70/30 (70% là điểm các bài thi + 30% là điểm trung bình học lực lớp 12 của thí sinh).
Sở dĩ có sự điều chỉnh này là có nhiều ý kiến về việc xét tốt nghiệp nếu để 70% điểm là kết quả học lực lớp 12 của thí sinh thì sẽ có sự đánh giá không khách quan về chất lượng giáo dục, học lực thực sự của thí sinh. Bởi vì nhiều trường học vì chạy theo thành tích, giáo viên thương học trò nên đã chấm điểm học lực lớp 12 của học sinh cao lên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Bình lại nhìn nhận ở một góc độ khác là nếu như việc xét tốt nghiệp THPT dựa chủ yếu là điểm bài thi thì liệu rằng, kết quả đó có phản ánh thực chất trình độ của học sinh, kết quả giảng dạy-học tập ở các địa phương khi mà những gian lận thi cử như năm 2018 chưa thể ngăn chặn triệt để.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, nếu việc xét tốt nghiệp THPT dựa vào tỷ lệ 70/30 thì Bộ GD-ĐT phải cùng với các cơ quan chức năng khác có giải pháp tăng cường giám sát, thanh tra tất cả các công đoạn coi thi, chấm thi, ra đề thì kết quả bài làm của thí sinh mới phản ánh đúng thực chất./.