Trong Hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT QG mới ban hành, Bộ GD&ĐT vẫn quyết định chọn phương án điều động giảng viên các trường đại học về địa phương coi thi với giáo viên các sở giáo dục theo tỷ lệ 50/50. Nhiều người tán thành phương án trên, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng cần cân nhắc lại vấn đề số lượng cán bộ coi thi để hạn chế những tốn kém không đáng có.

vov_thi_thpt_qg_2017_1_xtun.jpg
Bộ GD&ĐT vẫn quyết định chọn phương án điều động giảng viên các trường đại học về địa phương coi thi với giáo viên các sở giáo dục theo tỷ lệ 50/50.

Đại diện nhiều trường đại học, Sở Giáo dục – Đào tạo các địa phương đồng tình với phương án này của Bộ Giáo dục – Đào tạo, đồng thời khẳng định làm như vậy sẽ đảm bảo sự công bằng, chất lượng của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Thi cử là việc chung nên các trường đại học, cao đẳng cần san sẻ bớt công việc với địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, một trong 65 đơn vị được giao chủ trì cụm thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay cho biết: “Sự tham gia của các trường đại học sẽ góp phần tạo thêm niềm tin trong xã hội về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố cũng phối hợp tốt với các trường đại học trong công tác thi. Đó sẽ là tiền đề để chúng tôi có thể phối hợp tốt hơn nữa trong những công việc khác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố”.
Với cách làm này, các trường đại học, cao đẳng cũng như Sở Giáo dục – Đào tạo các địa phương sẽ vất vả và tốn kém hơn trong công tác tổ chức coi thi nhưng bù lại thí sinh sẽ nhẹ nhàng và dư luận sẽ an tâm hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Thông thường, trong một phòng thi chúng ta phải bố trí cả giáo viên ở tỉnh và giảng viên các trường đại học. Và trong ban thư ký hay hội đồng thi đều có người của Sở và người của trường đại học phối hợp sẽ nhịp nhàng hơn. Và việc giám sát qua lại như vậy cũng đem lại sự công bằng và minh bạch cho cuộc thi”.
Tán thành phương án này của Bộ Giáo dục – Đào tạo nhưng theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cần xem lại tỷ lệ điều động cán bộ coi thi. Không nhất thiết phải cứng nhắc đưa về địa phương số lượng lớn giảng viên của các trường như vậy để hạn chế tốn kém cho công tác tổ chức thi. Quan trọng là khâu giám sát phải thật gắt gao.

Ông Sơn kiến nghị: “Bộ có thể giảm bớt lượng cán bộ tại các trường đại học về các tỉnh. Nên giới hạn ở số là tại các điểm thi, bộ phận liên quan đến công tác tổ chức, đội ngũ cán bộ giám sát và đội ngũ thư ký ở hội đồng sẽ có người của các trường đại học tham gia với các địa phương chứ không nhất thiết mỗi một phòng thi phải có một giảng viên và một giáo viên ở địa phương”.
Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần đầu tư xây dựng bộ đề thi đủ lớn để hạn chế dần số lượng nhân lực trong công tác coi và chấm thi nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của kỳ thi./.