Tại kỳ thi thử THPT Quốc gia của trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) tổ chức vào sáng 10/3, tấm lòng cao cả của thầy Ninh Văn Dậu -giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai)vượt rẫy để thuyết phục học sinh tới trườngđã được dùng làm ngữ liệu cho đề thi môn Ngữ văn.

Nội dung đề thi thử THPT quốc gia của trường THPT Lộc Phát như sau: “Những ngày đầu tháng 3, dòng tâm sự buồn trên Facebook của thầy Ninh Văn Dậu - giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) về việc thầy đã không thể giữ học trò của mình ở lại trường khiến nhiều người xúc động.

Thầy Ninh Văn Dậu đã viết: “Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!” (TTO, 07/3).

Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tấm lòng của thầy Ninh Văn Dậu”.

de_thi_1_uupy.jpg
Tấm lòng cao cả của thầy giáo Ninh Văn Dậu được đưa vào đề thi thử của trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) 

Trước đó, những ngày đầu tháng 3, dòng tâm sự buồn trên Facebook của thầy Ninh Văn Dậu được nhiều đồng nghiệp và học trò chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của những người làm giáo dục.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư khen thầy giáo Ninh Văn Dậu. 

Trong thư, Bộ trưởng viết: "Qua báo chí phản ánh, tôi được biết thầy đã có một việc làm rất đáng trân trọng, thu phục học sinh Ksor Gôl trở lại trường. Bằng tấm lòng thương yêu học trò, thầy đã làm được một việc mà không phải ai cũng làm được, nhiều lần đến nhà thuyết phục và vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng để vào trong rẫy đưa được một học sinh nghèo, phải nghỉ học trở lại trường trong vòng tay yêu thương của các thầy cô, bè bạn.

Tôi được biết, thầy còn là một nhà giáo tâm huyết với nghề, đã giúp đỡ được nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn bỏ học trở lại trường, điển hình là học trò Ksor Gôl, và cách đây hơn 4 năm thầy cũng đã thuyết phục được học trò Lép là người Ja Rai, nhà ở xã La Derh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đến trường, nay học trò Lép đã là giáo viên tiểu học, đồng nghiệp với thầy."

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc làm của thầy Ninh Văn Dậu chắc chắn sẽ lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, tạo ra nhiều cảm hứng, niềm tin yêu trong học sinh, sinh viên và những động lực mới trong dạy học cho các thầy, cô giáo trong cả nước.

Bộ trưởng mong muốn, thầy Ninh Văn Dậu cũng như các thầy, cô giáo trong toàn ngành tiếp tục có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực hơn nữa, góp phần vào thành công chung của ngành Giáo dục./.