Tuổi trẻ với lòng nhiệt huyết tràn đầy, không quản ngại khó khăn gian khổ, thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) đã viết đơn tình nguyện xin ra xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa để dạy học. Thầy là một trong những gương nhà giáo tiêu biểu vun đắp cho sự nghiệp “trồng người” ở nơi đầu sóng ngọn gió, xã đảo xa xôi của Tổ quốc.
Sinh ra tại Thanh Hóa trong một gia đình viên chức, do kinh tế gặp nhiều khó khăn nên năm 1991, gia đình thầy giáo Lê Xuân Quyết phải chuyển vào Khánh Hòa sinh sống, làm việc.
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo thuộc thế hệ 9X Lê Xuân Quyết luôn nung nấu muốn đem “con chữ” tới những vùng miền khó khăn nhất của đất nước. Chính vì vậy, năm 2012, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, được về công tác tại trường Tiểu học Vạn Thọ 2 (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) nhưng được 1 năm thì thầy Quyết đã giấu gia đình, tình nguyện viết đơn xin ra đảo Trường Sa dạy học.
Đến khi có quyết định chính thức của phòng GD-ĐT huyện Trường Sa điều động thầy Quyết ra đảo dạy học, mẹ thầy đã khóc ròng nhiều ngày liền, lo lắng sợ phải xa con trai và con sẽ vất vả khi làm việc ở nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Thầy giáo Lê Xuân Quyết |
Ngày đầu ra đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ cũng bị say sóng và khi đặt chân lên đảo, thầy cũng bỡ ngỡ với cuộc sống ở nơi đầy nắng, gió và sóng biển.
Xa nhà, những ngày đầu công tác ở xã đảo Song Tử Tây, đối với thầy giáo Lê Xuân Quyết quả là rất vất vả. Những công việc từ nhỏ đến lớn, thầy giáo trẻ phải làm tất cả từ trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt cá đến nấu ăn...
Những khó khăn đó chẳng thể làm lung lay ý chí của thầy giáo trẻ. Mỗi lần ngắm nhìn những bản tin “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” hay “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thầy giáo trẻ cảm thấy có một cảm giác đặc biệt ở nơi địa đầu của Tổ quốc và thầm biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất của cha ông hay những chiến sĩ vác từng bao cát, viên đá để có được hòn đảo hùng tráng như hôm nay.
Trường Sa như người mẹ hiền
Nhớ lại ngày mới ra đảo, thầy giáo trẻ không khỏi lo lắng. Dù đã biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng thầy không nghĩ tới việc học sinh không biết đến đèn giao thông như thế nào, chiếc ô tô đi lại ra sao và thậm chí đến xe máy cũng không hề có. Phương tiện duy nhất của các em là xe đạp được tặng từ các đoàn công tác ở đất liền ra.
Trong một năm, trường Tiểu học Song Tử Tây chỉ có 4 đến 5 học sinh và chỉ có hai thầy giáo dạy cả cấp mầm non và tiểu học. Khó khăn lớn nhất của thầy Quyết là dạy lớp ghép. Phòng học tạm có 2 bảng đen quay về hai hướng, thậm chí có những năm còn phải kê thêm 1 bảng đen nữa vì là 3 lớp ghép.
Vậy là buổi đầu đứng lớp, thầy loay hoay dạy hết học sinh lớp 1 lại quay sang lớp 4 và còn dạy cả các em độ tuổi mầm non. Có em vừa đến lớp học đã khóc ngằn ngặt đòi về nhà. Khi ấy, thầy giáo Lê Xuân Quyết không chỉ là người thầy mà còn như người cha, người mẹ tìm mọi cách dỗ dành em nhỏ. Có lúc, thầy đóng vai là bạn của các em, cùng chơi trò chơi, kể chuyện và tự mình đóng vai các nhân vật để các trò thêm yêu trường lớp, yêu thầy giáo.
Do đặc thù điều kiện vùng hải đảo xa xôi, cách đất liền hơn 300 hải lý, điều kiện phương tiện khó khăn, có khi vài tháng mới có một chuyến tàu ra đảo nên quá trình vận chuyển trang thiết bị cũng như bồi dưỡng thêm kiến thức cho các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, thầy giáo Lê Xuân Quyết phải tự mầy mò bổ sung thêm kiến thức, sáng tạo và linh hoạt trong cách dạy học phù hợp với từng đối tượng học trò.
Nhiều đêm trên đảo mất điện, thiếu cả nước sinh hoạt hay những hôm mưa to, rét buốt, thấy giáo trẻ Lê Xuân Quyết vẫn kiên trì bám lớp, bám trường, không để bất cứ điều kiện ngoại cảnh nào ảnh hưởng đến việc học tập của các em học sinh.
Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng thầy và trò trường Tiểu học Song Tử Tây luôn cố gắng phấn đấu và đã gặt hái được rất nhiều thành tích cao trong giảng dạy, học tập. Đó là niềm vui rất lớn để thầy giáo trẻ thế hệ 9X càng yêu nghề, yêu trò, yên tâm công tác ở vùng hải đảo xa xôi.
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Lê Xuân Quyết cho biết, thầy vừa kết hôn với người vợ trẻ ở đất liền. Xa vợ, thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm từ gia đình nhưng giờ đây, Trường Sa đối với thầy giáo trẻ như một phần da thịt của mình, như là quê hương thứ hai và như người mẹ hiền ôm thầy vào lòng ru theo làn sóng.
Muốn nghe những đứa trẻ ở đây đọc chữ, đánh vần trong tiếng sóng biển, thầy giáo trẻ thế hệ 9X Lê Xuân Quyết càng muốn gắn bó lâu dài ở Trường Sa. Trong tâm thức thầy luôn tin rằng, không lâu nữa, Trường Sa sẽ có thêm nhiều trường, lớp học khang trang để thầy và trò thêm hứng khởi trong mỗi tiết học./.
Xúc động trước cô giáo gần 30 năm thầm lặng “gieo chữ” ở đảo xa
Cận cảnh: Ngôi trường đơn sơ trên đỉnh Hoàng Liên