Chỉ còn hơn 1 tuần nữa năm học mới 2020-2021 sẽ bắt đầu theo khung thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, nhưng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố đã lên phương án khai giảng trực tuyến và dạy học trực tuyến. Với học sinh THCS, THPT có thể đã quen dần và nhanh chóng thích nghi với học trực tuyến trong năm học mới. Nhưng với cấp tiểu học, nhiều cha mẹ không khỏi lo lắng cho “bước ngoặt” đầu tiên của con em mình. Để có thể hiểu rõ hơn tác động của dịch bệnh đến các em học sinh lớp 1 và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, phóng viên VOV trao đổi với ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT.
Ông Thái Văn Tài: Trong ban hành khung thời gian năm học Bộ GDĐT đã tính đến tính linh hoạt của thời gian năm học năm nay đối với cấp tiểu học và đối với lớp 1 như thế nào. Riêng đối với Tiểu học các địa phương có tính chủ động và linh hoạt nhiều hơn. Trong thẩm quyền của UBND tỉnh có thể quyết định ngày tựu trường và ngày kết thúc năm học, trong khoảng thời gian xê dịch là sớm hơn hoặc muộn hơn so với khoảng thời gian kế hoạch năm học là 15 ngày.
Vậy với thời gian như thế, các địa phương có thể quyết định thời điểm các em đến trường học tập ở từng địa bàn cụ thể, thậm chí là đến từng trường. Ở những nơi nào đang là vùng xanh chúng ta tiếp tục cho học sinh tựu trường. Những nơi nào đang có nguy cơ dịch bệnh phải có ưu tiên số 1 cho sức khỏe và an toàn của các em.
Vì vậy, đối với các em học sinh lớp 1, ngoài việc đảm bảo khung thời gian như thế. Đối tượng đặc thù là các em học sinh lớp 1 nên phải hết sức chú ý đến chất lượng và đối tượng tâm lý chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho việc học, thay đổi môi trường từ mầm non lên tiểu học.
Ông Thái Văn Tài: Về mặt chuyên môn, chúng ta đã ban hành hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch năm học. Đối với giáo viên việc trước mắt phải chủ động xây dựng kế hoạch môn học, ưu tiên ở lớp 1 cho những môn học mang tính chất nền tảng như môn tiếng Việt, môn Toán. Còn trong thiết kế các môn học khác, chúng ta tích hợp để làm sao giảm thời lượng để các em dành thời gian cho các môn học mang tính chất nền tảng. Một nguyên tắc nữa là tận dụng thời gian vàng để tăng thời gian học trực tiếp cho các em học sinh lớp 1. Nếu trong điều kiện có thể dịch bệnh kéo dài, học sinh học ở nhà dài chúng ta thực hiện phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 phải rất chú trọng đến phương pháp áp dụng khéo léo ứng dụng công nghệ thông tin để làm sao dễ dàng nhất cho phụ huynh, dễ dàng nhất cho học sinh và thực hiện mục tiêu là duy trì thói quen học tập. Hỗ trợ một phần nào đó trong học tập để hình thành nên thói quen duy trì việc học tập và những kiến thức mang tính chất căn bản.
Ông Thái Văn Tài: Bộ GD-ĐT đã xây dựng một kho bài giảng gồm 51 số ứng với 51 chủ đề học tập trên truyền hình và sẽ được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội để giúp cho các em học sinh trong thời gian ở nhà chúng ta dùng 51 chủ đề học tập này, có thể dùng cho tất cả các bộ sách giáo khoa khác nhau. Và giáo viên, nhà trường cần hướng dẫn phụ huynh trong thời gian ở nhà thì ưu tiên cho học tiếng Việt qua công nghệ này.
Thứ hai, là những nơi địa bàn khó khăn, chúng ta đa dạng hóa các hình thức dạy học. Có thể phát phiếu, có thể qua các trao đổi giữa các địa bàn để làm sao duy trì các em trong qua trình tự học. Và chúng ta đều biết, nếu làm khéo, làm tốt đây cũng là cơ hội để giúp các em tự học tập và phối hợp với phụ huynh học sinh gắn kết hơn với chúng ta.
Tóm lại, chúng ta phải tận dụng thời gian vàng để ưu tiên cho học sinh lớp 1, lớp 2. Trường hợp cá biệt, nếu như một địa bàn nào đó mà trong khung thời gian cho phép không thể hoàn thành chương trình năm học được thì địa phương báo cáo với Bộ để nới khung thời gian ra để tiếp tục cho việc này. Chúng ta ưu tiên cho chất lượng, ưu tiên cho độ tuổi, tránh việc làm một cách cơ học và tránh việc làm một cách máy móc dẫn đến việc ảnh hưởng đến chất lượng và tâm lý học tập của các em.