Hôm nay (18/1), Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ 1, triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2021-2022 cấp trung học cơ sở theo hình thức trực tuyến.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 659 trường trung học cơ sở với hơn 522.000 học sinh. Học kỳ I, toàn ngành đã hoàn thành “mục tiêu kép”, tổ chức dạy học hiệu quả, thích ứng an toàn trong tình hình mới và bền bỉ ứng phó với dịch Covid-19.
Tỷ lệ chuyên cần của học sinh học trực tuyến đạt gần 98%. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 270 trường tổ chức học trực tiếp, tập trung ở các huyện như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất...Tỷ lệ học sinh lớp 7, 8 và 9 xếp loại học lực giỏi đạt 45,7%.
Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu, trong giai đoạn này, các đơn vị đặc biệt quan tâm đến chất lượng học tập của học sinh lớp 9. Trả lời về vấn đề nhiều ý kiến phụ huynh đề xuất nên sớm công bố môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, ngoài 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3 hàng năm, đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường cần tập trung dạy học đầy đủ nội dung các môn, thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định, đảm bảo học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.
Tùy theo tình hình thực tế của dịch bệnh, Sở sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội quyết định phương án thi và công bố số môn thi cụ thể vào tháng 3/2022.
Về nhiệm vụ học kỳ II, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là duy trì nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức dạy học linh hoạt và bảo đảm chất lượng. Nếu học sinh được phép học trực tiếp, các nhà trường cần đồng thời làm tốt công tác phòng, chống dịch, tận dụng tối đa thời gian để ôn tập, củng cố nội dung còn khiếm khuyết khi học sinh học trực tuyến, có giải pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ, kế hoạch thời gian năm học. Trong trường hợp học sinh học trực tuyến, cần quan tâm hơn nữa đến các điều kiện tổ chức dạy học, hỗ trợ kịp thời học sinh có hoàn cảnh khó khăn và chú trọng giảng dạy các nội dung cốt yếu, tổ chức đánh giá thực chất, tăng cường động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho học sinh nhiều hơn./.