Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng đề án tăng học phí cho năm học 2017-2018. Trong khi xây dựng đề án, Sở có lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi trình lên cuộc họp HĐND thành phố xem xét trong tháng 7/2017.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã trình lên HĐND TP lộ trình tăng học phí cho các năm. Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện đề xuất tăng học phí dựa trên nguyên tắc theo lộ trình, chứ không phải đột ngột đề xuất tăng.

hoc_phi4_vdzy.jpg
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, mức thu học phí hàng năm được điều chỉnh tăng với tốc độ phù hợp, không gây đột biến với phụ huynh học sinh (ảnh minh họa)

Việc tăng học phí được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND. Trong đó giao trách nhiệm UBND thành phố trình HĐND thành phố mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2017 - 2018 và các năm tiếp theo theo nguyên tắc học phí hàng năm sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định. Đến năm học 2020-2021, mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.

Mức thu học phí hàng năm được điều chỉnh tăng với tốc độ phù hợp, không gây đột biến với phụ huynh học sinh.

Theo đó, việc tăng học phí đối với khu vực thành thị là 110.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 80.000 đồng/tháng/học sinh), nông thôn là 55.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 40.000 đồng/tháng/học sinh), miền núi là 14.000 đồng/tháng/học sinh (năm học trước là 10.000 đồng/tháng/học sinh). 

Như vậy, so với năm học trước, ở khu vực thành thị tăng 30.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn tăng 15.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực miền núi tăng 4.000 đồng/tháng/học sinh.

Đại diện Sở GD-ĐT cũng Hà Nội khẳng định, mức tăng như trên không phải là nhiều và việc điều chỉnh tăng học phí sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Riêng đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố.

Dù học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Nguồn học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ cùng ngân sách nhà nước để nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho giáo dục.

Cùng với việc tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập phải thực hiện công khai mức thu học phí theo năm học, khóa học; tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, quản lý chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích./.