Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Bên cạnh vai trò của Chính phủ, địa phương trong việc xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp của mỗi người dân, đặc biệt ở giới trẻ là vô cùng quan trọng.
Thế nhưng, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ còn gặp không ít khó khăn, thách thức ngay từ khi ngồi trên giảng đường đại học (ĐH).
Sinh viên Nguyễn Thị Hà |
Chỉ còn vài tháng nữa, sinh viên Nguyễn Thị Hà (khoa Kinh tế Công nghiệp, ĐH Bách Khoa Hà Nội) sẽ nhận bằng cử nhân sau 4 năm học ở trường.
Sau khi tốt nghiệp, Hà dự định về quê ở Hải Dương để xin việc làm. Mặc dù ngành học của cô sinh viên năm cuối này chuyên đào tạo về điện, năng lượng, dầu khí nhưng em lại thích khởi nghiệp trên lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm và quần áo.
Vẫn biết là nếu chuyển sang lĩnh vực khác để khởi nghiệp sẽ tốn kém tiền bạc, phí công sức, thời gian học tập ĐH nhưng Hà vẫn muốn thử sức. Đối với em, việc học tập và hành trang để lập nghiệp khi bước vào đời là sự lựa chọn của mỗi người, không ai giống ai.
Tuy nhiên, cũng như bao bạn trẻ khác, cô sinh viên năm cuối của ĐH Bách Khoa Hà Nội bày tỏ sự lo ngại về hành trang khởi nghiệp. Ngoài kiến thức, sự hiểu biết về thị trường và mặt hàng dự định kinh doanh thì hiện nay, Hà chưa có kinh nghiệm, các kỹ năng và kinh phí nhất định để khởi nghiệp.
Các trường ĐH ít có mô hình khởi nghiệp sát với thực tiễn cuộc sống
Cách đây hơn 1 tháng, Nguyễn Duy Hiệp, sinh viên năm thứ 3 Viện Ngân hàng Tài chính (ĐH Kinh tế Quốc dân) có ý tưởng khởi nghiệp dựa trên Đề tài “Đào tạo kỹ năng thuyết trình và dẫn chương trình cho sinh viên”.
Theo khảo sát của Hiệp và các bạn cùng trường, hiện nay, có khoảng 70% sinh viên các trường ĐH đều rất quan tâm đến kỹ năng thuyết trình. Tuy nhiên, để đưa ý tưởng trở thành hiện thực thì Hiệp và các bạn lại thấy có một số trở ngại. Ví dụ như hầu như các bạn sinh viên chưa dám dành thời gian và bỏ ra một khoản kinh phí dù nhỏ (hơn 200.000 đồng cho khoảng 5 buổi học tập).
Sinh viên Nguyễn Duy Hiệp |
Sau khi tốt nghiệp ĐH, chàng sinh viên Duy Hiệp rất muốn khởi nghiệp dựa trên việc đào tạo kỹ năng thuyết trình và dẫn chương trình cho các bạn trẻ. Thế nhưng, em cũng lo ngại là hiện nay trong xã hội, nhiều người đang có định kiến cho rằng, việc đào tạo này như hình thức kinh doanh đa cấp. Bởi nhiều công ty đa cấp đều hướng dẫn người học thông qua việc đào tạo các kỹ năng “mềm”.
Theo Duy Hiệp, hiện nay, đa phần sinh viên được học tập dựa trên nghiên cứu nên ý tưởng khởi nghiệp chưa được triển khai trên thực tế. Để khởi nghiệp thành công, chàng sinh viên này mong muốn các trường ĐH cần có mô hình khởi nghiệp thực tiễn có hiệu quả dựa trên việc học tập của sinh viên như: Khi tìm hiểu về từng loại thị trường thì các bạn trẻ sẽ áp dụng những kiến thức gì mà sinh viên đã học được.
Các trường ĐH cần có những đơn vị hay môi trường thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của sinh viên. Các hoạt động khởi nghiệp có thể dựa trên sự đóng góp ý kiến của các bạn trẻ để thông qua đó, những bạn có chung ý tưởng có thể chia sẻ sự sáng tạo và cùng nhau đóng góp vốn cho việc khởi nghiệp.
Ở các nước trên thế giới, nhiều công ty đã phát triển từ Quỹ đầu tư mạo hiểm. Ngoài kiến thức và kỹ năng, các bạn trẻ rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và phát triển quỹ đầu tư, quỹ mạo hiểm để hỗ trợ cho những chương trình khởi nghiệp của sinh viên./.
Khởi nghiệp không phải bắt đầu từ “đồng tiền”
Trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2016