Trong số hơn 200 trường đại học (ĐH), chúng ta phải chọn lựa ra được những trường khá hơn những trường khác và trong tất cả các ngành phải chọn ra những ngành tốt hơn cần thiết, thực sự hữu ích cho xã hội.

Thay vì đầu tư dàn trải đưa hết kinh phí về trường hay theo dạng giải ngân đề án thì sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ đầu tư cho các trường ĐH theo hướng giao nhiệm vụ, có thể xem xét chương trình đào tạo nào tốt thì mới được xem xét cấp học bổng cho sinh viên. Có như vậy, các trường mới thu hút được người giỏi. Chương trình đào tạo nào tốt cần thu hút giảng viên nước ngoài có uy tín giảng dạy thì Bộ sẽ xem xét hỗ trợ.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sáng 30/12/2016 tại hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2012.

bo_truong_nha_3_vov_cdul.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn báo chí sáng 30/12/2016

Các nước trên thế giới đều quan tâm đến trình độ, chất lượng đào tạo cho sinh viên. Việc thu hút sinh viên giỏi ở các trường ĐH quốc tế rất linh hoạt. Có những sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đạt thành tích học tập xuất sắc đều được nhà trường cấp học bổng, còn lại những sinh viên khác chỉ đạt trình độ ở ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng thì vẫn phải đóng học phí.

Chương trình đào tạo tốt là phải có tính tự chủ về giảng viên cơ hữu (cả giảng viên ở trong nước và nước ngoài) đạt chất lượng cao về giảng dạy, nghiên cứu khoa học giảng dạy bằng ngoại ngoại ngữ chứ không phải là những người chỉ giỏi về mỗi ngoại ngữ.

Việc xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến sắp tới cũng ưu tiên sự tham gia sâu sát của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập để có sự cạnh tranh bình đẳng với các trường công lập.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một trong những mục tiêu để thực hiện đào tạo theo chương trình tiên tiến là thu hút sinh viên và giáo viên nước ngoài vào Việt Nam học tập, giảng dạy. Việc thu hút này sẽ góp phần giúp các trường ĐH, CĐ trao đổi, chuyển giao công nghệ, tri thức, tăng cơ hội giao lưu giữa sinh viên các nước. Như vậy, đào tạo theo chương trình tiên tiến bắt buộc giảng viên phải giảng dạy bằng tiếng Anh.

Chương trình này cũng đòi hỏi sinh viên Việt Nam phải có sự hiểu biết, tiếp cận được những yêu cầu đào tạo sinh viên trên toàn thế giới.

Hiện nay, yếu tố để thúc đẩy có nhiều sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập còn một số vướng mắc như: chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ, điều kiện để sinh viên nước ngoài an tâm sinh sống và học tập tại nước ta...

Nhiều ý kiến cho rằng, để Việt Nam có thể “xuất khẩu” được giáo dục hay nói cách khác là muốn thu hút sinh viên nước ngoài đến nước ta học tập thì đầu tiên, các sinh viên tìm đến uy tín của quốc gia, rồi mới đến uy tín đào tạo của các trường ĐH. Do vậy, việc xây dựng uy tín, hình ảnh của một quốc gia rất công phu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nếu chúng ta cứ đợi xây dựng hình ảnh quốc gia rồi mới đến tạo dựng thương hiệu cho giáo dục và các trường ĐH thì sẽ không hiệu quả, không thu hút sinh viên ở các nước đến Việt Nam học tập. Uy tín của quốc gia được xây dựng từ sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo./.