Chiều nay (9/11), Trường ĐH Nội vụ Hà Nội phối hợp với Đoàn khối các cơ quan Trung ương tổ chức Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2019”.
Cuộc thi đã thu hút 80 sản phẩm dự thi của 76 đội là sinh viên của 17 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Các sản phẩm dự thi ở nhiều lĩnh vực, như: sản xuất, công nghệ, giáo dục đào tạo, du lịch, nông nghiệp sạch,…
Các đội thi nhận giải thưởng từ ban tổ chức. |
Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích cổ vũ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kiến quốc của thanh niên, sinh viên; tìm kiếm và hỗ trợ dự án khởi nghiệp chất lượng, sáng tạo để triển khai trên thực tế; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên và xây dựng mạng lưới thanh niên, sinh viên khởi nghiệp trên cả nước.
Đến với cuộc thi, các nhóm dự thi có cơ hội được trình bày các ý tưởng khởi nghiệp và nhận về sự tư vấn, hỗ trợ từ 20 doanh nhân, chuyên gia kinh tế, marketing, nhân sự đến từ nhiều tập đoàn, công ty khác nhau.
Chung cuộc, giải đặc biệt thuộc về ý tưởng Dova Chicken (Chăn nuôi, phát triển giống gà đen lông xước của đồng bào Mông tại cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang) của nhóm tác giả là sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, đội trưởng là sinh viên Giàng Mi Dình.
Giải nhất thuộc về ý tưởng trồng cây dược liệu quý lan kim tuyến có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường của tác giả Vương Văn Thái, sinh viên năm nhất ĐH Nội vụ phân hiệu Quảng Nam.
Đánh giá về các ý tưởng khởi nghiệp tại cuộc thi,TS. Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức cho rằng các ý tưởng của sinh viên không chỉ bó hẹp ở những lĩnh vực liên quan đến ngành học, mà rất đa dạng, hướng tới cộng đồng. Đặc biệt những ý tưởng kinh doanh về thực phẩm sạch, dược liệu... có tính thực tế cao, gây được ấn tượng với ban giám khảo.
“Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo, mở ra những cơ hội học tập, lập thân lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên. Có nhiều em có suy nghĩ rằng học các ngành xã hội khó khởi nghiệp, nhưng thực tế có rất nhiều sinh viên ĐH Nội vụ đã khởi nghiệp và thành công. Sinh viên bất cứ ngành nào cũng có thể khởi nghiệp, chỉ cần các em có ý tưởng và những ý tưởng đó giúp ích, mang lại giá trị cho xã hội là đã có thể thành công”, TS Lê Thanh Huyền cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương hiệu và Quản trị Thanhs, thành viên BGK cũng cho rằngcác ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên khá phong phú, thực chất, có sự đầu tư và khả năng khai thác như: Dịch vụ hướng nghiệp và cung ứng nhân lực OHRM, Đào tạo và du lịch The Century, chuỗi cửa hàng kính mắt, chuỗi sản xuất khép kín gà đồi sinh học, Dịch vụ đưa đón trẻ Happy Road, Mô hình trồng lan Kim Tuyến dược liệu,…
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Vân cho rằng các cuộc thi khởi nghiệp góp phần thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp với hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Qua Cuộc thi, các doanh nghiệp có thể phát hiện những tài năng trẻ, các dự án khởi nghiệp khả thi để tiếp tục tư vấn, hỗ trợ để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, giúp bạn trẻ hạn chế rủi ro, có thêm cơ hội khởi nghiệp thành công.
Vương Văn Thái, tác giả mô hình trồng lan kim tuyến chia sẻ: “Cuộc thi là sân chơi bổ ích cho sinh viên, nơi chúng em được giao lưu học hỏi lẫn nhau và quan trọng là được kết nối với các nhà kinh doanh, các chủ doanh nghiệp để được tư vấn và có thêm cơ hội biến những ý tưởng khởi nghiệp thành thực tế”.
Chia sẻ thêm về mô hình trồng lan kim tuyến, nam sinh cho biết, qua tìm hiểu, cây lan kim tuyến rừng là loại dược liệu quý, có tác dụng điều trị bệnh ung thư, tiểu đường và nhiều căn bệnh khác. Loài cây này mọc trong rừng sâu, người dân ở Đăk Lăk nơi Thái sinh sống vẫn chủ yếu vào khai thác mà chưa có các mô hình trồng hiệu quả để có nguồn dược liệu lâu dài. Xuất phát từ suy nghĩ này, nam sinh đã nghiên cứu kỹ thuật trồng và triển khai mô hình trồng lan kim tuyến để xuất bán ra thị trường.
“Hiện nay em vẫn đang học năm nhất nên việc vừa học vừa làm gặp nhiều khó khăn.Em hy vọng có thể gọi vốn, hợp tác với những đối tác khác để hợp tác sản xuất”, Thái chia sẻ./.
Thanh niên khởi nghiệp làm giàu từ nuôi trùn quế
Phụ nữ khởi nghiệp thời 4.0 đòi hỏi tiếp cận công nghệ mới