Kiến trúc sư là một trong những nghề lâu đời nhất trên thế giới có lý thuyết khoa học và cơ sở pháp lý hành nghề. Ngành kiến trúc là một ngành học đặc biệt, tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành khác như khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nghệ thuật.
Ở Việt Nam, ngành kiến trúc được đào tạo đầu tiên ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp thành lập (năm 1924). Khoa kiến trúc được mở vào năm 1926, những sinh viên khóa này là thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam. Vào thời điểm đó, đây là cơ sở duy nhất của nước Pháp đào tạo kiến trúc sư ở nước ngoài.
Xưởng học thiết kế là một phòng học rất rộng với những bàn vẽ kích thước lớn. Sinh viên có thể tự do chọn chỗ ngồi thích hợp để làm việc |
Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Việt Nam có 3 cơ sở đào tạo kiến trúc sư là các khoa kiến trúc của các trường Trường Đại học kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học xây dựng và Đại học Kiến trúc TP HCM. Hiện nay trên toàn quốc có hơn 20 cơ sở giáo dục đại học (cả công lập và dân lập) đào tạo kiến trúc sư.
Mặc dù trải qua thời gian dài cùng những thay đổi về xã hội, khoa học kỹ thuật và phương pháp giáo dục; song về cơ bản chương trình học của ngành kiến trúc vẫn giữ tinh thần cũ. Đó là sự phối hợp kiến thức tổng hợp đa ngành, ứng dụng lý thuyết song song thực hành, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật trên cơ sở khoa học, kỹ thuật xây dựng.
Một trong những môn học quan trọng nhất mà sinh viên phải “theo đuổi” suốt từ năm thứ 2 tới khi tốt nghiệp (năm thứ 5 - theo chương trình đạo tạo hiện nay) là môn học đồ án. Ở môn học này, các sinh viên kiến trúc sẽ phải vận dụng lý thuyết, nguyên lý thiết kế công trình cùng các kiến thức liên quan để thiết kế công trình cụ thể, thể hiện bằng bản vẽ kiến trúc (đồ án).
Hệ thống đồ án môn học bắt đầu từ những công trình quy mô nhỏ, đơn giản cho tới những công trình quy mô lớn, phức tạp ở tất cả các thể loại: công trình nhà ở, công trình công cộng, công trình công nghiệp, quy hoạch đô thị. Mỗi đồ án là một quá trình nghiên cứu, triển khai trong thời gian dài của sinh viên, từ 4 - 10 tuần, dưới sự hướng dẫn của giảng viên tại các xưởng thiết kế. Đây là một hình thức học kết hợp song song lý thuyết và thực hành, trao đổi thông tin đa chiều và có tính chất truyền nghề.
Ở xưởng thiết kế, các sinh viên sẽ trực tiếp trình bày các ý tưởng, xây dựng, triển khai đồ án với sự hỗ trợ của giảng viên. Đây cũng là một cách học, môi trường học rất tự do, bình đẳng để thể hiện quan điểm, trao đổi thông tin cũng như rèn luyện khả năng thuyết trình, bảo vệ quan điểm, phương án thiết kế.
Những hình ảnh dưới đây được chụp tại Xưởng học thiết kế (họa thất) - Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TP HCM trong một buổi học đồ án của sinh viên kiến trúc năm thứ 3./.
Khi giảng viên hướng dẫn bài cho một sinh viên cũng là cơ hội cho nhiều sinh viên khác… chống cằm ngồi nghe |
Những sơ phác ý tưởng bắt đầu đơn giản từ những khổ giấy nhỏ |
Dao và kéo được sinh viên kiến trúc sử dụng khi làm mô hình trong môn học đồ án |
Qua giai đoạn sơ phác ý tưởng được làm độc lập, khi thiết kế được thực hiện trên những khổ giấy lớn; việc góp ý, trao đổi thông tin giữa sinh viên với nhau là rất cần thiết |
ThS.KTS Hà Anh Tuấn - giảng viên khoa kiến trúc đang phản biện phương án thiết kế của sinh viên |
Đây là một đồ án hoàn thiện, đồ án quy mô nhỏ đầu tiên trong hệ thống đồ án môn học, được thực hiện ở năm thứ 2 |