Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Thông tư nêu rõ, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 sinh viên đại học chính quy (8.000 đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 đối với nhóm ngành nghệ thuật).

Quy định đưa ra như vậy nhưng thực tế có nhiều trường đại học vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều trường với quy mô đào tạo “vượt trần” nhưng lại có chất lượng đào tạo uy tín như: ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Cần Thơ…

Nhiều giảng viên sẽ rơi vào cảnh “thất nghiệp”?

Hiện nay, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có trên 16.000 sinh viên chính quy, khoảng 700 giảng viên. Gần như 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm. Nếu áp dụng theo Thông tư 32 thì nhà trường sẽ khó có thể chi trả các khoản chi thường xuyên và thu hút nguồn giảng viên chất lượng cao.

do_van_dung_pogs.jpg
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có đặc thù là gồm những ngành công nghệ, kỹ thuật đòi hỏi nhà trường cần phải trang bị đầy đủ các thiết bị, vật tư hiện đại cho sinh viên thực hành, thí nghiệm. 

Khấu hao của máy móc, trang thiết bị, phòng thí nghiệm sau mỗi giờ thực hành, thực tập của sinh viên là rất lớn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chia sẻ: “Nếu Bộ GD-ĐT khống chế số lượng 20 sinh viên/giảng viên mà với mức học phí kịch trần là 7 triệu đồng/sinh viên/ tháng thì mỗi năm nhà trường chỉ thu về 140 triệu/sinh viên. Trong khi đó, chi phí cho các hoạt động thực hành, mua sắm vật phẩm, thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo chiếm gần hết, chỉ còn lại 30% số tiền trên để chi trả lương cho giảng viên thì rất khó khăn cho trường.

Nếu khống chế chỉ tiêu tuyển sinh theo Thông tư 32 thì có thể nhiều giảng viên rơi vào cảnh thất nghiệp. Mức lương chi trả phải ổn định và đủ sống thì nhà trường mới thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao”.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, không phải trường đại học nào cũng muốn tăng chỉ tiêu đào tạo nhưng cũng vì muốn có nguồn thu để nâng cao chất lượng đào tạo và ổn định các khoản chi trả thường xuyên nên nhiều trường có quy mô đào tạo “vượt trần” kiến nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét lại việc siết chặt chỉ tiêu nguồn tuyển.

TS Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội

Để khắc phục tình trạng trên, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT siết chặt quy mô đào tạo ở các trường đại học thì nên kèm theo là để cho các trường được phép tự quyết định mức thu học phí để bù đắp cho công tác đào tạo.

Không thể cắt giảm kinh phí đầu tư cho các trường khó khăn

Không phải thuộc nhóm trường có quy mô đào tạo “vượt trần”, Đại học Luật Hà Nội có khoảng 10.000 sinh viên yên tâm nằm trong ngưỡng “an toàn” về chỉ tiêu tuyển sinh nhưng lãnh đạo nhà trường lại có chung tâm trạng với những trường có tổng chỉ tiêu đào tạo vượt quy định.

TS Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, thay vì yêu cầu các trường tuyển sinh vượt quy mô phải xin giấy phép đào tạo thì Bộ GD-ĐT có thể để cho các trường giải trình vì sao họ lại tuyển sinh “vượt trần”, mô hình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường hiện nay như thế nào bằng một đề án cụ thể. Theo đó, các trường có thể báo cáo với Bộ về quy mô đào tạo “vượt trần” trong vòng 5 năm để lấy đó làm căn cứ xem xét được tuyển sinh.

NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc 

Đại học Tây Bắc là một trường trọng điểm ở khu vực miền núi. Hiện nay, trường có khoảng 5.000 sinh viên hệ chính quy và 350 giảng viên. 

Từ nhiều năm nay, nhà trường vẫn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với việc giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên các trường miền núi. 

Nếu cắt giảm chỉ tiêu mà nguồn kinh phí Nhà nước cấp cũng bị cắt giảm theo thì rất khó cho hoạt động đào tạo của một trường ở khu vực miền núi như Đại học Tây Bắc.

Đồng ý với chủ trương siết chặt quy mô tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT nhưng NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc cho rằng, nguồn kinh phí đầu tư cho các trường vẫn phải giữ nguyên. 

Bởi lẽ nhiều trường ở các địa phương khó khăn, nguồn thu học phí từ sinh viên rất thấp nên nếu các trường bị cắt giảm nguồn đầu tư từ Nhà nước thì rất khó khăn cho các trường chi trả các khoản chi thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học./.

Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học nêu rõ:

Các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường, không vượt quá 15.000 sinh viên đại học chính quy (8.000 đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 đối với nhóm ngành nghệ thuật).

Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.

Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành VI; không quá 20% chỉ tiêu chính quy đối với các khối ngành khác.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học được xác định không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy đã xác định của cơ sở giáo dục đại học.

Việc giao nhiệm vụ đào tạo để nâng chuẩn giáo viên, nâng cao trình độ cán bộ y tế, đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, nông lâm thủy sản và một số trường hợp đặc biệt khác sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2016./.