Những ngày này, cùng với các hãng truyền thông lớn của Anh, cư dân mạng xã hội và các trang báo thể thao trong nước cũng sôi động với hình ảnh của “Running Man” Vũ Xuân Tiến tại Emirates Cup 2013 ở nước Anh. Từng thông tin và hình ảnh về chuyến đi của chàng trai này được cập nhật liên tục, đủ thấy sức hút của “Running man” như thế nào.

Chỉ Việt Nam hay cả Luân Đôn có lợi từ hình ảnh này?

Clip Vũ Xuân Tiến xuất hiện tại sân Emirates trước khi bắt đầu trận đấu giữa Arsenal và Napoli trong sự đón chào nồng nhiệt của hàng vạn cổ động viên trên sân, đã được truyền đi với tốc độ rất nhanh. Các hãng truyền thông lớn của Anh dành cho Vũ Xuân Tiến nhiều danh từ bày tỏ niềm yêu mến, như “Ngôi sao mạng của Arsenal”, “Vị khách dị biệt”, và hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam đã được biết đến nhiều hơn.

Một tờ báo trong nước đã viết rằng “Running man” thổi bùng niềm tự hào dân tộc. Facebook cá nhân của Vũ Xuân Tiến có tới hơn 37.000 người đăng ký theo dõi, cùng hàng ngàn lời chúc mừng, lượng truy cập rất lớn mỗi ngày. Trên facebook của BBC đăng clip về Vũ Xuân Tiến chạy quanh sân Emirates, nhiều bạn cũng comment bày tỏ niềm xúc động và tự hào dân tộc trước hình ảnh của chàng thanh niên Việt Nam bé nhỏ giữa một sân đấu lớn tầm cỡ thế giới.

Có comment lên tiếng: “Anh ấy là người Việt Nam của chúng ta và chúng ta có quyền tự hào”, hay “Mang quốc kỳ Việt Nam trên lưng, em ấy gánh một nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới”, rồi “Em đã mang Việt Nam đến trái tim bè bạn”...

Rõ ràng, không thể phủ nhận rằng, với sức ảnh hưởng của Vũ Xuân Tiến lúc này, hình ảnh của anh đã không chỉ quảng bá cho Arsenal, mà còn vô tình trở thành một vị “đại sứ” giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời, cũng đánh thức bao tình cảm tốt đẹp và cả niềm tự hào về đất nước, về con người Việt Nam ở các bạn trẻ.

Với hình ảnh của Vũ Xuân Tiến trong hành trình đi thăm Luân Đôn, xứ sương mù cũng thêm một lần được giới thiệu những cảnh đẹp nổi bật, những di sản văn hóa của mình khi “Running man” đặt chân đến cùng với hai ngôi sao của CLB Arsenal là trung vệ Bacary Sagna và tiền vệ Jack Wilshere: Toà nhà quốc hội, nhà thờ Westminster Abbey, nơi có tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng, cầu Tháp London. Bởi ở mỗi nơi “Running man” đến, đều được truyền thông giới thiệu kỹ càng về lịch sử, truyền thống.

Chỉ có điều rất đáng tiếc là cho đến lúc này, hình ảnh của Vũ Xuân Tiến lại mới chỉ được các hãng truyền thông lớn của Anh khai thác. Trong khi đó, lẽ ra, với việc Vũ Xuân Tiến là người Việt Nam, đã là thế mạnh của ngành du lịch và thể thao Việt Nam, nhất là ngành du lịch trong việc tận dụng để quảng bá hình ảnh đất nước. Ngược lại, suốt từ khi Vũ Xuân Tiến trở thành “sự kiện”, được các cơ quan báo chí lớn của nước ngoài quan tâm, du lịch Việt Nam vẫn im lặng đứng ngoài quan sát.

Tại sao ngành du lịch và thể thao Việt Nam không nhân sự kiện Vũ Xuân Tiến trở nên nổi tiếng, rồi được mời sang Anh, để tạo thành cơ hội quảng bá Việt Nam ra nước ngoài, khi mà tầm ảnh hưởng của du lịch Việt Nam ở các thị trường này còn rất khiêm tốn?

Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam đã kịp nhìn ra lợi ích từ hình ảnh của Vũ Xuân Tiến, nên muốn được sở hữu chàng trai này khi đánh tiếng mời anh cộng tác và sẵn sàng trả cả trăm triệu tiền lương mỗi tháng cho một công việc không quá khó khăn. Bởi họ cũng chỉ mong có được hình ảnh của chàng trai này trong việc đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với công chúng.

531800_721341344543851_722500979_n.jpg
Vũ Xuân Tiến tặng con rồng bằng gỗ cho Podolski (ảnh: Getty)

Lại nữa, ngay những bức tượng Cô Tiên trong trò múa bát Tiên được Vũ Xuân Tiến mang sang Anh làm quà, hay con rồng bằng gỗ anh tặng tiền đạo Lukas Podolski, cũng được báo chí khai thác. Tiếc là ngành du lịch Việt Nam đã không nghĩ tới việc nhân dịp này, thông qua Tiến, có thể gửi tặng các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo của Việt Nam tới các chân sút nổi tiếng của CLB Arsenal. Vì được các ngôi sao của một CLB bóng đá lớn nhận, đã là một hình thức quảng bá vô cùng hiệu quả cho sản phẩm du lịch Việt Nam, mà chi phí lại rất rẻ!

Thử đặt một con tính nhỏ: Mỗi năm, Tổng cục Du lịch Việt Nam chi phí cho việc quảng bá du lịch Việt Nam ở châu Âu một số tiền rất lớn, nhưng hiệu quả là bao nhiêu so với hình ảnh của cá nhân Vũ Xuân Tiến xuất hiện ở Anh dịp này? Nếu ngành du lịch biết tận dụng cơ hội này, số kinh phí đầu tư chắc chắn sẽ nhỏ hơn nhiều lần kinh phí bỏ ra tổ chức các sự kiện quảng bá ở châu Âu, mà hiệu quả có thể còn lớn hơn nhiều lần.

Ông Arsene Wenger quả có một sự tinh nhạy nhà nghề, khi chỉ từ việc Vũ Xuân Tiến “bám” theo đội bóng Arsenal, mà ông đã nghĩ ngay đến việc cần phải làm gì để nâng tầm thương hiệu cho một đội bóng vốn đã rất nổi tiếng. Điều này lại tiếp tục được Ban Tổ chức giải đấu Emirates Cup 2013 nắm bắt, để biến thành một sự kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng, quảng bá cho CLB Arsenal, nên đã mời anh sang dự Emirates Cup 2013.

Sự xuất hiện của “Running Man” được chú ý, đồng nghĩa với việc  Arsenal cũng trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Với cái tầm của các nhà PR chuyên nghiệp, họ thừa hiểu, chi phí cho việc đón “Running Man” sang dự khán 2 ngày là quá rẻ so với sự vào cuộc rầm rộ của truyền thông và sự quan tâm của công chúng, mà không chỉ riêng ở Anh.

Rõ ràng là, từ hình ảnh của một chàng trai Việt Nam hoàn toàn vô danh, nhưng với sự chuyên nghiệp trong PR, CLB Arsenal - thương hiệu bóng đá nổi tiếng thế giới, đã biết khai thác rất thành công. Điều này thêm một lần khẳng định: quảng bá thương hiệu, điều quan trọng nhất không phải là tiền, mà là ở tầm nhìn, biết chớp lấy những điều tưởng như bình thường để biến nó thành cơ hội./.