Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Như vậy, môn Lịch sử tiếp tục là môn học độc lập, không bị tích hợp vào các môn học khác.

Ngay sau Quốc hội thông qua Nghị quyết như trên, nhiều nhà khoa học, sử học cho rằng, việc làm Quốc hội là kịp thời, sáng suốt và hợp lòng dân.

vov_do_thanh_binh_skhx.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thanh Bình

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, Lịch sử gắn với nhiều vấn đề chính trị của đất nước, học Lịch sử là để hiểu những giá trị quý báu của dân tộc.

Thế hệ trẻ, trong đó có học sinh mà không biết gì hoặc hiểu lơ mơ về lịch dân tộc là một thiếu sót lớn. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới là hết sức sáng suốt, hợp ý Đảng, lòng dân.

Vấn đề là bây giờ chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu trong giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa để môn Lịch sử thực sự thu hút học sinh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc hoan nghênh việc làm kịp thời của Quốc hội thông qua Nghị quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, vấn đề cốt yếu của việc đổi mới môn Lịch sử là Bộ GD-ĐT phải đưa môn học này là môn bắt buộc thi trong chương trình giáo dục phổ thông. Bởi vì hiện nay, nhiều học sinh có quan niệm môn nào thi thì mới học.

Trong nhiều năm qua, học sinh chán nản, quay lưng lại với môn Lịch sử đã thể hiện rất rõ thông qua số điểm thi rất thấp, số lượng người chọn để thi trong các kỳ thi quốc gia rất ít.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ sự hồ hởi khi Quốc hội tiếp tục giữ môn Lịch sử là môn học độc lập. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ

Bởi môn học này không chỉ giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và giữ nước của cha ông mà còn giúp họ có được lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc khi mà hiện nay đang có nhiều âm mưu của các thế lực muốn chống phá đất nước ta, chia rẽ sự đại đoàn kết của dân tộc.

Nghị quyết của Quốc hội cũng là một động lực rất lớn để những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử tiếp tục có những ý tưởng, sáng kiến để đổi mới môn Lịch sử ngày một hấp dẫn hơn đối với học sinh.

Bà Vương Ngọc Oanh

Bà Vương Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La nêu ý kiến: Khi đang có nhiều ý kiến tranh luận về việc tích hợp môn học Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và An ninh-Quốc phòng thành môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” thì quyết định giữ môn Lịch sử là môn học độc lập là việc làm sáng suốt, kịp tời của Quốc hội nhằm chấn an lòng dân.

Ngoài việc giữ môn Lịch sử là môn học độc lập thì việc làm tiếp theo là tất cả xã hội hãy chung tay cùng với Bộ GD-ĐT, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, sư phạm đưa ra những giải pháp hữu hiệu để đổi mới môn học này một cách thiết thực, hiệu quả nhất. /.