Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát 94 hồ sơ của các ứng viên giáo sư và phó giáo sư (GS, PGS) đề nghị công nhận năm 2017, bị để lại do có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện.

Kết quả là có 53 ứng viên đủ điều kiện, 41 ứng viên không đủ điều kiện, trong đó có một số ứng viên tự xin rút hồ sơ.

giao_su_7_qgrt.jpg
Số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận qua các năm (Đồ họa: Tuổi trẻ)

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, những ứng viên không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận GS, PGS trong đợt rà soát này đa số là thiếu minh chứng giờ giảng.

Theo quy định, hồ sơ của ứng viên thỉnh giảng phải có hợp đồng, thanh lí hợp đồng và có đánh giá của hiệu trưởng cơ sở giảng dạy nhưng một số hồ sơ không có hợp đồng hoặc không có thanh lí hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lí môn khác. Thậm chí, có trường hợp làm mới hồ sơ của các năm trước không có căn cứ.

Cũng có ứng viên kê khai loại giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm. Tuy nhiên, khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn. Theo quy định của pháp luật thì giáo trình chỉ được công nhận khi hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học chọn và thừa nhận lựa chọn để sử dụng.

Lại có trường hợp vi phạm quy định về thâm niên. Ví dụ, quy định về thâm niên của GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ nhưng lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng thì giờ giảng đó là không đúng quy định của pháp luật. Từ đó đi tới kết luận không đủ giờ dạy, không đủ thâm niên.

Từ kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT, một lần nữa khẳng định, để đạt được chức danh GS, PGS, ứng viên không chỉ có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí uy tín của thế giới mà phải tham gia công tác giảng dạy ở các trường ĐH hoặc đào tạo nghiên cứu sinh với thời lượng được quy định.

Vấn đề này một lần nữa lại gây ra sự tranh luận về việc GS, PGS nên là chức danh nhà giáo hay chức danh khoa học. Học hàm cao quý này nên dành cho các thầy cô giáo giảng dạy ở các trường ĐH, học viện hay các nhà khoa học làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, viện khoa học?

GS.TS Lê Thị Hợp

GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đưa ra quan điểm: Hiện nay, có 3 loại GS, PGS. Thứ nhất, GS, PGS chuyên giảng dạy là những người có nhiều thay đổi trong phương pháp dạy học, có thể biên soạn sách giáo khoa. Thứ 2 là GS, PGS vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Thứ 3 là GS, PGS chuyên về nghiên cứu, là những người tìm tòi, sáng tạo ra những tri thức mới mang lại sự đột phá cho nền khoa học.

Từ trước đến nay, có nhiều quan điểm từ phía các nhà giáo muốn đưa chức danh GS, PGS thuộc về những người chuyên về giảng dạy. Tuy nhiên, cũng có nhiều thành viên của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, các nhà khoa học đã đề nghị chức danh GS, PGS phải là chức danh khoa học.  

“GS, PGS không phải là “thợ giảng” hay những người chuyên đứng trên bục giảng mà việc giảng dạy ở đây phải được hiểu là giảng dạy những chuyên đề khoa học cho những người học sau ĐH.

Chúng ta không thể coi những GS, PGS chuyên về nghiên cứu kém hơn so với GS, PGS chuyên giảng dạy. Bởi hiện nay, hầu hết những GS, PGS trên thế giới (kể cả đang giảng dạy ở các trường ĐH) chỉ giảng dạy từ 30 đến 40 tiết/năm. Nếu GS, PGS chỉ chuyên đi giảng dạy thì sẽ không có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, phát hiện ra những tri thức mới.

Nếu Việt Nam không có trường ĐH nào nằm trong tốp 1000 trường uy tín, chất lượng tốt nhất trên thế giới; trường ĐH không có viện nghiên cứu thì chúng ta không nên phong chức danh GS, PGS làm gì. GS, PGS phải là những người sáng tạo, khám phá tri thức mới và truyền đạt tri thức đó cho đối ngũ kế cận. Như vậy, đất nước mới có các công trình khoa học để phục vụ cho sự phát triển”, bà Lê Thị Hợp nhấn mạnh.

GS, PGS chỉ nên dành cho chức danh nhà giáo?

Đứng ở góc độ nhà giáo, Tiến sĩ (TS) Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), nếu giảng viên ĐH chỉ chuyên đào tạo mà không tham gia công tác nghiên cứu khoa học hoặc ngược lại thì cũng không thể ứng cử chức danh GS, PGS.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Chức danh GS, PGS chỉ dành cho những người nào tham gia công tác giảng dạy ĐH, đào tạo nghiên cứu sinh và có những công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế.

Nếu các nhà khoa học làm việc ở các viện hàn lâm, trung tâm nghiên cứu có nhiều công trình khoa học và có hướng dẫn nghiên cứu sinh nhưng không tham gia đào tạo ở các trường ĐH, học viện thì có thể gọi là nghiên cứu viên cao cấp và cao hơn là viện sĩ, viện sĩ thông tấn.

TS Lê Viết Khuyến kiến nghị, trong quy chế xét công nhận chức danh GS, PGS sửa đổi, Bộ GD-ĐT nên đề xuất và trưng cầu ý kiến xã hội về giờ giảng dạy của các ứng viên đạt chức danh GS, PGS. Đặc biệt có quy định rõ đối với giờ giảng cho các giảng viên thỉnh giảng, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Đồng thời, đưa ra hình thức nghiêm khắc đối với các trường khi thực hiện xác nhận hợp đồng, thanh lý hợp đồng và chọn giáo trình giảng dạy của ứng viên./.