GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước biết, kết quả rà soát 95 GS, PGS đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo Thủ tướng tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 2/4.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 đối với 1.226 hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi dư luận phản ứng, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Hội đồng đã rà soát lại và công nhận 1.131 ứng viên/tổng số 1.226 hồ sơ đạt tiêu chuẩn GS, PGS, bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, không có đơn thư tố cáo. Còn 95 trường hợp ứng viên phải rà soát lại vì có phản ánh và hồ sơ cần xác minh thêm.
Số người đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 tăng đột biến (Đồ họa: VietnamNet) |
Đến hết ngày 31/3, đoàn công tác thanh tra độc lập của Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc rà soát 95 hồ sơ này. Kết quả cho thấy, nhiều ứng viên không được công nhận do hồ sơ không chuẩn xác, không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận GS, PGS, một số ứng viên xin rút.
Tổng cộng có 41 ứng viên không đạt tiêu chuẩn, trong đó khoảng 30 trường hợp là giảng viên thỉnh giảng. Trong số 41 hồ sơ không đạt tiêu chuẩn sau khi rà soát, có nhiều quan chức như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ứng viên PGS Trương Xuân Cừ - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và một số cục trưởng, giám đốc…
Theo GS.TS Bùi Văn Ga, những ứng viên không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn công nhận GS, PGS trong đợt rà soát này đa số là thiếu minh chứng giờ giảng. Theo quy định, khi ứng viên tham gia giảng dạy là có hợp đồng và thanh lý giảng dạy.
Tuy nhiên, để công nhận minh chứng trên thì ứng viên phải có số lượng giờ dạy, thông tin lớp học, kế hoạch giảng dạy, ký xác nhận, hóa đơn... nhưng các ứng viên không chú ý đến chi tiết này và các trường không lưu giữ nên nhiều ứng viên không có chứng cứ cung cấp tới đoàn kiểm tra.
Đoàn Thanh tra của Bộ GD-ĐT đã làm việc rất cụ thể, chi tiết, kỹ lưỡng, hết sức công minh và trực tiếp trao đổi với từng ứng viên. Trong thời gian rà soát có rất nhiều ứng viên GS, PGS đã nộp đơn xin rút trong đợt xét công nhận đợt này.
Sau đợt rà soát này, Hội đồng chức danh GS nhà nước rút kinh nghiệm sẽ hướng dẫn thông tin cụ thể hơn cho các hội đồng ngành và cho các ứng viên xét trong đợt công nhận tới để tránh thiệt thòi cho các ứng viên về hồ sơ.
Ông Bùi Văn Ga cũng giải thích kỹ, theo quy định, Hội đồng Chức danh GS nhà nước xét, công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS còn việc bổ nhiệm các chức danh GS, PGS do các cơ sở giáo dục đại học thực hiện. Nếu chỉ được Hội đồng Chức danh GS nhà nước chỉ xét, công nhận đạt tiêu chuẩn thì ứng viên chưa là GS, PGS. Họ chỉ trở thành GS, PGS khi trường đại học bổ nhiệm. Điều này các trường cũng phải lưu ý.
Trả lời câu hỏi qua thanh tra có phát hiện cơ sở giáo dục đại học nào chứng thực khống giờ giảng cho ứng viên, ông Bùi Văn Ga cho hay chưa phát hiện trường hợp kê khống. Các trường cũng rất có trách nhiệm trong việc rà soát, chỉ là khâu lưu trữ hồ sơ có vấn đề.
Bộ trưởng Y tế bị thiếu minh chứng về giờ giảng dạy
GS.TS Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành Y cho biết, hội đồng này có 23 hồ sơ được gác lại trên tổng hồ sơ phải rà soát tiếp của tất cả các ngành. Sau khi thanh tra Bộ GD-ĐT làm việc với các cơ sở đào tạo để xác minh lại các loại hồ sơ chứng từ, đã khẳng định có 10 hồ sơ của ngành Y “không chuẩn xác”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh: Bộ Y tế) |
Lý do thanh tra xác định 10 hồ sơ chưa “chuẩn xác” chủ yếu là về giờ giảng, hợp đồng giảng dạy và thanh lý hợp đồng. Khi nhận hồ sơ gửi lên, hội đồng ngành chỉ xem xét ứng viên có hợp đồng giảng dạy, có thanh lý hợp đồng hay không. Nếu có là đủ điều kiện xem xét. Hội đồng ngành không kiểm tra hồ sơ tại cơ sở đào tạo.
Trong số 10 hồ sơ của ngành Y chưa được thanh tra Bộ thông qua, có 2 trường hợp xin rút. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong số 10 hồ sơ này, tức là thiếu minh chứng giờ giảng dạy./.
Bộ trưởng Y tế và nhiều quan chức không còn tên ở danh sách GS, PGS
Lý do hồ sơ GS của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị để lại xem xét