Bộ GD-ĐT đang xây dựng, lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017 với một số nội dung điều chỉnh về tổ chức cụm thi, bài thi, hình thức thi, đề thi, nội dung thi, thời gian làm bài thi và lịch thi…
Đáng chú ý nhất là sự điều chỉnh theo phương án 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp của các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Việc ra đề thi tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội được thực hiện theo hướng thí sinh làm hết các câu hỏi của môn A rồi mới đến các câu hỏi của môn B, chứ không phải làm tích hợp giữa các câu hỏi ở các môn bị xáo trộn trong một đề thi.
Dự thảo phương án thi năm 2017 vừa được đưa ra đang khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Việc điều chỉnh bài thi, hình thức thi, đề thi có thể được thực hiện ngay từ năm 2017 đang khiến nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh có sự lo lắng, băn khoăn nhất định.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 |
Sẽ khắc phục tình trạng “học tủ, học lệch”
Dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017 cũng được lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đưa ra phân tích, bàn luận tại cuộc Tọa đàm đàm trực tuyến với chủ đề: “Phương án tuyển sinh năm 2017” diễn ra sáng 8/9 tại Hà Nội.
Nhìn nhận về dự thảo phương án thi năm 2017, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đánh giá, dự thảo đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017 sẽ khắc phục được những điểm yếu của năm 2016, khắc phục tình trạng “học tủ, học lệch” và tiếp cận được với xu thế của thời đại là trang bị kiến thức, kỹ năng toàn diện cho học sinh.
Nếu đề thi gồm tổ hợp gồm nhiều môn sẽ khuyến khích học sinh học tập một cách tổng quát. Vì năm nay, thí sinh chưa làm đề thi theo hình thức mới thì việc ra đề có thể theo hướng tổ hợp còn trong những năm tới, đề thi không chỉ là tổ hợp mà là sự tích hợp các môn học.
Nếu chúng ta có hệ thống công nghệ thông tin tốt thì việc chấm thi trắc nghiệm sẽ rất nhanh và không có tiêu cực xảy ra như nhiều người thường hay lo ngại là có giáo viên “nương tay” khi chấm bài thi cho thí sinh. Điều này cũng sẽ góp phần tạo cơ sở tin tưởng cho các trường ĐH, CĐ lấy kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào trường.
Tiến sĩ Công Hồng – Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến: Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ 4 môn đã tăng lên thành 6 môn, rồi từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 và 2016 lại trở về 4 môn đã phần nào vẫn còn thí sinh “học tủ, học lệch”.
Xu thế chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới là đánh giá học sinh thông qua 5 bài thi. Phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra là rút ngắn thời thi THPT Quốc gia từ 4 đến 5 ngày xuống còn 2 ngày. Thời lượng bài thi cũng có thể giảm từ 180 phút xuống còn 90 phút. Điều này sẽ nhẹ nhàng đối với thí sinh khi không phải tổ chức đi lại cũng như làm bài mỗi môn với thời thời lượng nhiều hơn.
Ngoài ra, với phương án thi năm 2017, chúng ta có thể áp dụng được phương pháp khảo thí hiện đại với ứng dụng công nghệ thông tin để chấm bài thi khách quan và chính xác hơn.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Công Hồng, để thực hiện được phương án thi do Bộ GD-ĐT đưa ra thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phải có lộ trình chi tiết để xây dựng từng nhiệm vụ để vừa giám sát, kiểm tra, vừa đảm bảo chất lượng và tiến độ thi an toàn.
Thay đổi lớn về tư duy môn học nhưng cần phù hợp với thực tiễn
Đánh giá về dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017, bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, khi thực hiện theo dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017, ngay lập tức tất cả các trường THPT phải thay đổi.
Giáo viên phải có sự thay đổi trong giảng dạy. Tư duy về môn nào là môn chính, môn nào là môn phụ sẽ không còn nữa. Giáo viên ở tất cả các môn học đều phải giảng dạy hết sức nghiêm túc để đạt hiệu quả cao nhất và học sinh cũng phải học như vậy. Nếu ngay từ đầu năm học, Bộ GD-ĐT có những hướng dẫn một cách cụ thể thì việc thi theo phương án mới không phải là quá tải đối với thí sinh.
Tuy nhiên, bà Thu Anh bày tỏ sự băn khoăn là chương trình sách giáo khoa chứa đựng kiến thức tương đối nặng nên rất cần Bộ GD-ĐT có sự hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung để giúp cho việc thay đổi thi cử được thực hiện tốt ngay từ sự thay đổi đầu tiên nhằm hướng đến những năm sau có thể thi tích hợp.
Vì ngay từ năm đầu, thí sinh chưa quen với việc làm đề thi theo tổ hợp gồm nhiều môn thì việc thực hiện sự đổi mới thi cử theo hướng này cần phải phù hợp với thực tiễn.
Thí sinh không nên hoang mang, lo lắng
Để giúp thí sinh, giáo viên và phụ huynh có thể hiểu hơn về những thay đổi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phương án thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ không thể có sự thay đổi mỗi năm 1 lần mà phải có kế hoạch khoa học và tổng thể, được thực hiện từng bước, có lộ trình, cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao thí sinh không hoang mang.
Bộ GD-ĐT đưa ra phương án đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia và đã thông báo từ 3 năm về trước nên không thể nói là đột ngột. Bộ cũng đã có những thông báo cụ thể với thí sinh như: Năm 2015, các trường ĐH, CĐ phải sử dụng 75% chỉ tiêu để xét tuyển các khối thi truyền thống và năm 2016 còn 50% chỉ tiêu…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, những đổi mới về phương án thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ là nhằm ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh, giúp các em có nhiều quyền lợi hơn. Vì vậy, thí sinh không nên quá băn khoăn, lo lắng. Có thể kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có những thay đổi về cấu trúc đề thi, tổ chức thi nhưng đề thi đều nằm trong sách giáo khoa THPT nên thí sinh cần học tập thật tốt chương trình giáo dục THPT.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các quy chế, cách thức đăng ký thi, xét tuyển, đề thi minh họa để thí sinh có thể tham khảo để dựa vào đó tham khảo. Các phụ huynh cũng không nên quá lo lắng với phương án thi mới vì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của các em.
Dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo đó, từ năm sau kỳ thi THPT quốc gia và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ có một số thay đổi.
Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do các Sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ chỉ giữ vai trò giám sát. Vì thế, cả nước chỉ có một loại cụm thi (chứ không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như hiện nay). Để dự thi, thí sinh hệ THPT sẽ làm 5 bài thi: toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Thí sinh hệ GDTX làm 4 bài (bớt đi bài ngoại ngữ). TS thi trong một ngày rưỡi: Ngày thứ nhất buổi sáng thi văn, ngoại ngữ; chiều thi khoa học tự nhiên; ngày thứ hai buổi sáng thi Toán và khoa học xã hội.
Trừ Ngữ văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài trắc nghiệm, trừ ngoại ngữ có 40 câu hỏi và thời gian làm bài 60 phút, các bài còn lại có 50 câu và thời gian làm bài 90 phút.
Phương án thi như trên sẽ được thực hiện ổn định từ năm 2017 – 2019 nhưng nội dung thi sẽ có sự thay đổi theo lộ trình. Theo đó, năm 2017 nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, năm 2018 lớp 11 và 12, năm 2019 trở đi nội dung thi gồm chương trình cả 3 lớp 10, 11, 12.
Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của trường ĐH, CĐ sẽ không còn. Kỳ thi sẽ chỉ do Sở GD-ĐT với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức khảo thí độc lập. Số bài thi giảm xuống còn 3 bài (môn Toán được gộp vào bài thi khoa học tự nhiên, Ngữ văn được gộp vào bài thi khoa học xã hội) và đều thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Ngoại ngữ sẽ hướng tới đánh giá cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết và có thể thi liên tục trong năm. Mỗi thí sinh sẽ làm cả 3 bài thi trong một ngày nào đó của tháng 6 và không phải thi đồng loạt trên cả nước (mỗi địa phương sẽ tự chọn ngày phù hợp cho mình).
Việc xét công nhận tốt nghiệp do Sở GD-ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm sau: 70% điểm từ 3 bài thi + 30% điểm từ trung bình kết quả học tập THPT (Tỷ lệ này ở các năm như sau: 2017: 50% + 50%; 2018: 60% + 40%; 2019: 70%+30%)./.
Bộ trưởng Giáo dục trả lời nhiều vấn đề “nóng” trước thềm năm học mới