Đường dây mãi dâm “cao cấp” do Người đẹp Nam Mê Kông Mỹ Xuân làm “tú bà” bị phanh phui thời gian qua là sự kiện gây rúng động giới show biz Việt. Từ đường dây này, một loạt “chân dài” là những người mẫu, diễn viên, ca sỹ xuất đầu lộ diện cùng những con số gây “sốc”: từ vài ngàn đến hàng chục ngàn đô la mỗi lần bán dâm.

myxuan.jpg

"Má mì" Mỹ Xuân

Bên cạnh việc lên án những người đẹp bán dâm, dư luận đã lên tiếng: Cần phải “đưa ra ánh sáng” những người đã mua dâm trong đường dây này. Theo cơ quan chức năng, có… 4 “đại gia nông dân” đã mua dâm. Nhưng theo lời khai của “tú bà” Mỹ Xuân, đã hành nghề này từ trước khi đăng quang (năm 2009), cùng nhiều “chân dài” bán dâm khác nữa. Như vậy, chắc chắn không thể chỉ có 4 người mua dâm. Và người mua dâm với mức giá hàng ngàn đô la càng không thể chỉ là những “đại gia nông dân”. Tại sao không công khai danh tính người mua dâm? Tại sao với tội phạm ma túy thì xử lý nghiêm cả người bán, người mua, còn mại dâm lại khác đi: Người bán dâm buộc phải vào trại phục hồi nhân phẩm, còn người mua dâm thì chỉ bị phạt hành chính? Trong cùng một hành vi mua - bán dâm, tại sao việc xử lý lại chỉ làm nghiêm với phụ nữ? Không lẽ “phục hồi nhân phẩm” chỉ dành riêng cho phụ nữ, còn nam giới thì không? Tại sao?./.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH): Công bố danh tính người mua dâm ngoài răn đe phải tính đến các hệ lụy khácTheo tôi, đây là vấn đề xã hội lớn, cần phải xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng. Nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng giảm tệ nạn mại dâm thì ta nên thí điểm làm thử để nghe ngóng xem thế nào. Chứ ở một số nước, cả nước tư bản cho phép có “khu đèn đỏ”, các chính khách chỉ cần xuất hiện ở đó rồi bị phát hiện đưa lên báo chí thì uy tín đã giảm sút, có khi bản thân chính khách phải tự động xin từ chức. Còn ở ta, việc chưa cho công bố tên là mang tính nhân đạo. Nhân đạo là anh chỉ bị thông báo về địa phương, cơ quan, đơn vị, chứ chưa hẳn đã thông báo cho gia đình biết.

Đại tá Hồ Sỹ Tiến- quyền Cục trưởng Cục CSĐT về TTXH (C45 - Bộ Công an): Công khai danh tính có tác dụng ngăn chặn Tệ nạn mại dâm ngày càng phổ biến và công khai dưới nhiều hình thức khác nhau rất tinh vi, dưới các hình thức kinh doanh có điều kiện. Việc công khai danh tính người mua dâm và bán dâm có tác dụng ngăn chặn tệ nạn xã hội này. Đây là hoạt động "có cầu có cung" nên phải xử lý cả từ 2 phía. Nên chăng công nhận mại dâm như “một nghề” với những quy chế hoạt động đặc biệt. Công khai sẽ quản lý dễ hơn. Nhà nước thu được thuế, hoạt động giáo dục cũng như phòng ngừa những căn bệnh lây lan qua đường tình dục dễ dàng hơn. Và khi đó, chỉ chống những hành vi ngoài sự cho phép. Nếu làm được việc này, sẽ xử lý hình sự cả người mua dâm và người bán dâm bất hợp pháp. Chỉ xử lý hành chính người mua dâm và bán dâm đều không có tác dụng phòng chống tệ nạn này. Một tệ nạn mà không bị coi là có tội sẽ rất khó xử lý triệt để.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội: Người mua dâm còn phạm tội nặng hơn Người mua và bán dâm đều vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, bị xử lý hành chính, gửi thông báo về cơ quan hoặc địa phương nơi làm việc, cư trú. Việc báo chí công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng. Thậm chí, người mua dâm còn phạm tội nặng hơn người bán dâm. Ngoài vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, đa phần người mua dâm đều đã có gia đình, như vậy, còn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc công khai danh tính một bên còn là sự bất bình đẳng giới, bởi quan niệm xã hội vẫn cho rằng, đàn ông có quyền trăng hoa, phụ nữ thì không. Cần tăng mức xử phạt hành chính; việc công khai danh tính người bán và người mua dâm cần cân nhắc bởi ảnh hưởng rất lớn đến người thân của họ. Mặt khác, nếu công khai danh tính người mua dâm và người bán dâm thì ở những lĩnh vực xử phạt hành chính khác cũng phải bị công khai.  Một số nước đã công nhận mại dâm là một nghề để quản lý dựa trên nhận thức muốn hay không muốn thì nghề mại dâm vẫn tồn tại, như một dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sinh lý của một bộ phận người dân. Việc công khai giải quyết được bài toán không để cho mại dâm tràn lan. Ở nước ta cứ để  tình trạng “dở trăng dở đèn” rất khó quản lý.

Bà Ngô Thanh Hằng, Báo Công an nhân dân: Giấu tên người mua dâm là bất bình đẳng xã hội

Phát ngôn của một số người có trách nhiệm cho rằng “giấu tên người mua dâm là vì nhân đạo”, hay muốn đưa tên người mua dâm lên thì phải hỏi ý kiến họ, khiến dư luận rất bất bình. Chả lẽ, đàn ông mới cần được đối xử nhân đạo, còn phụ nữ thì không? Nhất là khi, hậu quả với người phụ nữ nặng nề hơn đàn ông vì phụ nữ khó nhận được sự tha thứ. Cách ứng xử này rõ ràng là sự chà đạp phụ nữ, thể hiện tư tưởng bất bình đẳng giới nghiêm trọng./. P.V thực hiện