Từ ngày 9/3-13/3, tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, Ban tổ chức đã trao 15 giải Nhất và nhiều giải thưởng khác cho học sinh có dự án xuất sắc trong kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau khi trao giải, một số phụ huynh, học sinh đã có đơn “tố” kỳ thi không công bằng, khách quan, trong đó có ít nhất 5/15 đề tài đạt giải Nhất không thuyết phục.

vov_gian_lan_ambp.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định không có chuyện chép ý tưởng, gian lận trong cuộc thi. 
Bộ GD-ĐT sau đó đã phải lập ban giám khảo, chấm thẩm định lại một số đề tài. Theo báo cáo, hội đồng đã tiến hành chấm thẩm định các dự án. Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn trả lời chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay sau đó, lại có ý kiến phụ huynh “phản pháo”, cho rằng kết quả chấm thẩm định không thuyết phục.

Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp báo thường niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT một lần nữa trả lời về vấn đề này. “Các giám khảo đã tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện có sự trùng lặp nào chúng tôi lập tức hủy kết quả bài thi. Nhưng kết quả kiểm tra vừa rồi cho thấy không có bất cứ sự trùng lặp, sao chép ý tưởng nào”, ông Thành khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, quá trình tổ chức chấm thi được thực hiện đúng quy chế, ban giám khảo là các nhà khoa học với học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi. Việc chấm thi các công trình khoa học kỹ thuật này, chấm quá trình nghiên cứu của học sinh chứ không phải chỉ chấm kết quả sau cùng. Quá trình chấm có 3 tiêu chí rõ ràng, về mục tiêu, thiết kế, phương án giải quyết vấn đề để thực thi phương án đó.

Mỗi dự án đều được chấm qua hai phần, chấm trên báo cáo tóm tắt và chấm và phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bày của từng dự án. Ở mỗi phần chấm, các giám khảo bốc thăm các dự án để chấm, mỗi dự án sẽ được 5 giám khảo/phần chấm để chấm độc lập theo các tiêu chí đã quy định trong thông tư hướng dẫn, đây cũng là các tiêu chí chấm của cuộc thi quốc tế. Điểm của từng phần là điểm trung bình do 5 giám khảo chấm độc lập. 

Với quá trình chấm đó, với những phụ huynh không phục kết quả và tính công khai minh bạch của cuộc thi, Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định, mỗi hội đồng thuộc 2 lĩnh vực (ứng dụng cơ khí và xã hội hành vi), khi thành lập hội đồng, Bộ GD-ĐT cũng thành lập 2 tiểu ban đó, mỗi tiểu ban gồm 5 người là các nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc về các trường đại học, viện nghiên cứu tiến hành chấm thẩm định.

Mỗi giám khảo trong thành viên của hội đồng chấm thẩm định là độc lập nghiên cứu báo cáo của học sinh để từ đó đánh giá sự phù hợp. Sau khi có kết quả chấm thẩm định đã thông tin đến phụ huynh, kết quả này phù hợp với kết quả mà ban giám khảo đã đánh giá trong cuộc thi.

Về việc phụ huynh cho rằng việc thành lập hội đồng chấm thẩm định, quy trình và phương pháp chấm thẩm định không hề được nói đến trong các thông báo công khai; Hội đồng thẩm định gồm những ai, có độc lập, khách quan không cũng không được công bố trong văn bản gửi tới phụ huynh và báo chí. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Hội đồng chấm thẩm định hoàn toàn độc lập, không trùng với ban giám khảo và đã có quyết định rõ ràng./.