Nhiều năm qua, học sinh bậc Tiểu học ở 2 thôn Tân Lập và Thống Nhất, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng phải vượt một quãng đường nắng bụi, mưa lầy dài gần chục cây số để đến trường, số khác phải chấp nhận ngồi học tạm ở hội trường thôn.
Toàn cảnh Tiểu học Đan Phượng 2 |
Để giải quyết khó khăn này, một ngôi trường mới được xây dựng hoàn thành, tuy chưa xong thủ tục nghiệm thu nhưng đã kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ cho 170 học sinh trong năm học mới 2018-2019. Đó là trường Tiểu học Đan Phượng 2, phân hiệu thôn Tân Lập.
Trường có tổng vốn đầu tư hơn 6,4 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước do Phòng GD-ĐT huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư. Vậy nhưng, chưa kịp vui mừng thì ngay trong những ngày đầu tựu trường, phụ huynh và học sinh nơi đây đã phải lo sợ trường bị sập.
Trường vừa xây dựng xong thì xuất hiện vết nứt chằng chịt |
Bà Trần Thị Liên, ở thôn Thống Nhất, xã Đan Phượng cho rằng, đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ.
“Nứt tùm lum hết nên phụ huynh con em ở đây mới nói chuyện với nhau, thống nhất là phải họp lại xem làm cách nào, chứ để các cháu đi học thế này thì không đảm bảo, phụ huynh không yên tâm. Tôi xem tin tức thời sự ở các nơi, trường học bị sập là có rồi đấy thôi”, bà Liên trình bày.
Lo lắng của bà Liên và các phụ huynh có con em học tại ngôi trường mới này hoàn toàn có cơ sở. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, các bức tường tại khối nhà chính và các phòng học ở cả 2 tầng đều xuất hiện chằng chịt vết nứt. Ngay cả những vị trí trụ, dầm bê tông chịu lực cũng có những vết nứt gãy.
Điều đáng nói, tại một số vị trí đã được đơn vị thi công công trình xử lý bằng cách che giấu, dùng giấy dán vào khe nứt, sau đó phủ một lớp sơn.
Theo ông Nguyễn Văn An, ở thôn Thống Nhất, người dân trên địa bàn lâu nay vốn đã chịu thiệt về nhiều mặt. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn vì ở cách xa khu vực trung tâm.
Ngay cả các vị trí trụ bê tông chịu lực cũng có nhiều vết nứt gãy |
Nhân dân kiến nghị nhiều năm mới được Nhà nước đầu tư xây dựng cho một trường học, những tưởng sẽ góp phần ổn định việc học tập cho con em mình thì lại xảy ra cớ sự này.
“Vòng quanh đây đều có vết nứt, nứt ngang nứt dọc, rồi những cây cột chịu lực kia cũng bị nứt, có cái nứt làm 2 khúc, có cái nứt làm 5 khúc mà mắt thường nhìn cũng thấy. Hơn nữa, vệ sinh của trường cũng không đâu vào đâu cả. Chẳng thà không có công trình này thì còn đỡ đi, chứ có công trình mà như thế này thì dân chúng tôi rất bức xúc. Không thể chấp nhận được. Nếu mà các cơ quan không vào cuộc, sang tuần tới chúng tôi sẽ đề nghị phụ huynh cho các cháu nghỉ”, ông An bức xúc.
Trong khi người dân lo lắng vì sự mất an toàn của trường Tiểu học Đan Phượng 2, thì ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lâm Hà, đơn vị chủ đầu tư vẫn khẳng định: Việc thi công xây dựng công trình vẫn đảm bảo đạt chất lượng, an toàn.
Theo ông Sinh, đơn vị thi công là Công ty TNHH Mỹ Hưng, có địa chỉ tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà đã làm đúng các quy định trong xây dựng, kết cấu công trình được thi công theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
Sở dĩ công trình trường học có xuất hiện nhiều vết nứt là do xây dựng bằng gạch không nung, khi giàn giáo xây dựng tháo dỡ xong thì các mối nối tiếp giáp với nhau bị co giãn bề mặt.
“Nó bị kiểu như là nứt chân chim, mà cái đó thực tế theo phân tích là do xây bằng gạch không nung, tức cái kết giữa vữa tô với các trụ là vẫn có kẽ hở ở trong đó, chứ còn về mặt kết cấu công trình thì đảm bảo, không có vấn đề gì”.
Đơn vị thi công khắc phục bằng cách dán một loại giấy xây dựng vào vết nứt, sau đó phủ một lớp sơn lên bề mặt |
Ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng, hiện tượng này không lạ, bởi trước đó vào tháng 3/2018, trong quá trình kiểm tra thi công thực tế của công trình, chủ đầu tư cũng đã phát hiện có một số vết nứt và đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục sửa chữa ngay sau đó.
Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, thực tế là trường Tiểu học Đan Phượng 2 vừa mới xây xong đã xuất hiện nhiều vết nứt như mạng nhện, người dân nơi đây có quyền bức xúc và hoài nghi đây là một công trình kém chất lượng. Vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng địa phương cần phải sớm vào cuộc để kiểm tra, làm rõ, mang lại niềm tin cho người dân./.