Sáng 5/9, trong khi học sinh cả nước nô nức ngày tựu trường thì gần 1.000 học sinh thuộc ba cấp (mầm non, tiểu học, THCS) tại xã Kỳ Hà được bố mẹ cho ở nhà.

Theo chính quyền địa phương, tại trường mầm non Kỳ Hà chỉ có 140 trong 330 em đến dự khai giảng, ở trường tiểu học là 132/694 học sinh, tỷ lệ này với THCS Hà Hải là 285/530.

Bà Nguyễn Thị Hường (trú xóm 9, xã Kỳ Hà) cho biết, người dân nơi đây chủ yếu làm muối và đi biển. Từ ngày xảy ra sự cố môi trường khiến cá chết thì ruộng muối bỏ hoang, thuyền "gác mái chèo" không ra khơi.

"Tôi có 4 người con đang tuổi ăn học, giờ kinh tế khó khăn các cháu phải nghỉ ở nhà", bà Hường nói và cho hay đã kiến nghị địa phương miễn tất cả các khoản đóng góp thì phụ huynh mới yên tâm để con em trở lại trường.

khong_di_khai_gian_ffgv.jpg
Trường THCS Hà Hải ngày khai giảng chỉ có 285 học sinh trong tổng số 530 tới lớp.
Một phụ huynh khác cho hay trước mắt việc chuyển đổi nghề nghiệp khá khó khăn. Hiện tại hải sản đánh bắt về không ai mua, muối sản xuất ra không bán được nên việc trang trải chi phí học tập cho con "rất nan giải". Ở xã Kỳ Hà, học sinh tập trung trở lại trường vào ngày 25/8.

Tuy nhiên từ đó tới nay, học sinh ở ba cấp đến trường rất lẻ tẻ. Nhiều em quanh quẩn ở nhà, có em ra đồng bắt cua, chơi đùa bên những con thuyền đang neo đậu chờ "biển sạch" ra khơi.

"Thấy các bạn đến trường khai giảng, em cũng rất háo hức. Nhưng nhiều tháng qua bố mẹ không đi biển được, do vậy thiếu tiền mua sách vở", một học sinh nói. Thầy Trần Minh Đức, Hiệu trưởng trường tiểu học Kỳ Hà cho hay nhiều học sinh không đi học dẫn tới xáo trộn trong việc sắp xếp lịch dạy và học, tâm lý giáo viên bất an.

"Thẩm quyền của nhà trường chỉ là vận động, quyết sách để hỗ trợ bà con là từ phía chính quyền", thầy Đức nói....

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, người dân không cho con em đến trường từ nhiều ngày qua nhằm gây sức ép lên chính quyền, đòi hỏi một số yêu cầu. Thứ nhất, theo ông, người dân cho rằng do thiệt hại kinh tế bởi sự cố môi trường biển nên muốn địa phương miễn học phí. Về việc này huyện đã có văn bản đề nghị tới UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 24/9, tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân để quyết định. Thứ hai, người dân muốn miễn các khoản đóng góp xây dựng trường. Vấn đề trên UBND xã Kỳ Hà đã có phương án miễn giảm 1/3 các khoản song một số người không đồng tình, đòi miễn giảm 100%, đồng thời yêu cầu mua sách vở, quần áo cho tất cả con em họ.

Theo Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, xã Kỳ Hà là một trong 54 thôn xóm trên địa bàn chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển. Chính quyền đang nỗ lực để thực hiện công tác đền bù, tuy nhiên một số người dân ở đây vẫn chưa hợp tác để kiểm kê, kiểm đếm thiệt hại.

"Chính quyền liên tục cử giáo viên đến vận động bà con cho con em tới trường. Ban đầu họ vui vẻ nhưng sau đó thì xua đuổi", ông Vĩnh nói và cho hay nhà chức trách đang nỗ lực từng ngày để thuyết phục phụ huynh thay đổi ý định, bởi việc ngăn tới trường là vô lý, làm mất quyền lợi của trẻ em./.