Sáng 17/5, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo “Cầu thị trường lao động và truyền thông với thị trường lao động”. Hội thảo được thực hiện theo chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp. Chương trình này do Chính phủ Việt Nam và Hà Lan phối hợp thực hiện với mục đích thực hiện một phương pháp tiếp cận giáo dục mới ở bậc đại học tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

anh-ktqd-ngoai.jpg
Đại biểu tham dự Hội thảo

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp là đào tạo một lực lượng lao động có chuyên môn và có khả năng thích ứng cao cho các cơ sở sử dụng lao động. Đây là một loại hình đào tạo theo định hướng “cầu” vì vậy yêu cầu nhà trường và các cơ sở sử dụng lao động phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đội ngũ giảng viên cần phải có chuyên môn sâu, năng động, sáng tạo trong công việc và nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Với cách thức giảng dạy theo mô hình của Hà Lan, giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam sẽ cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài nước nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đáp ứng các kỹ năng cần thiết trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Trung (Đại học Kinh tế Quốc dân), giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp là một hướng đi tất yếu của nền giáo dục ở bậc đại học. Nó phát triển song song với giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, với đặc thù phát triển của Việt Nam, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã đưa ra Đề án Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu có 70-80% sinh viên học chương trình này. Tuy nhiên, việc mở rộng việc học tập chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp cần phải dựa trên những nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động ở Việt Nam và nhu cầu của các doanh nghiệp./.