Dư luận những ngày qua khá bất ngờ trước thông tin Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội kết luận về một số trường hợp chuyển nhượng đất, xây dựng công trình không phép trên đất rừng do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn quản lý.

Theo đó, Thanh tra Sở TN-MT Hà Nội xác định hộ ông Thành Chương (họa sĩ Thành Chương) đã xây dựng Phủ Thành Chương (là công trình quy mô, kiên cố tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) nhưng không có giấy phép xây dựng.

Theo quan điểm của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì Thành phố sẽ thực hiện triệt để kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến những sai phạm quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các cá nhân, đơn vị trên địa bàn nhiều xã ở huyện Sóc Sơn, trong đó có trường hợp của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh và của họa sĩ Thành Chương.

img_0320.jpg
Kiến trúc độc đáo là điểm nhấn của Phủ Thành Chương - (Ảnh: Quân đội nhân dân)

Ngày 7/5, trong một cuộc làm việc với báo chí, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN-MT đã phát biểu thẳng thắn: “Tôi khẳng định là trong kết luận thanh tra đã nói rất rõ là vi phạm quy định sử dụng đất lâm nghiệp. Thứ hai là việc UBND huyện Sóc Sơn tiến hành giao 200m2 đất ở thì đúng quy định, nhưng diện tích còn lại phải sử dụng đúng mục đích của đất lâm nghiệp, cho nên khẳng định việc sử dụng đất đó là sai. Việc tiến hành xây dựng cũng là sai. Quan điểm của Sở là sai phạm phải xử lý, bất kể người đó là ai thì cũng phải bình đẳng trước pháp luật”.

Ngay sau đó, ngày 10/5/2013, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, rà soát việc xây dựng công trình của các hộ dân, cá nhân trên đất lâm nghiệp thuộc huyện Sóc Sơn xác định rõ đúng, sai báo cáo, đề xuất Thành phố trước ngày 15/6/2013.

Trước vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận, việc lãnh đạo thành phố Hà Nội nhanh chóng lên tiếng về biện pháp xử lý tưởng làm dư luận yên tâm hơn nhưng thực ra lại gây băn khoăn, bức xúc nhiều hơn. Vấn đề mấu chốt dư luận quan tâm nhất là “số phận” Phủ Thành Chương và rất nhiều ngôi nhà khác được cho là xây không phép sẽ bị xử lý ra sao? Đặc biệt với Phủ Thành Chương – nơi được coi như một quần thể văn hóa nổi tiếng, chứ không chỉ đơn thuần là ngôi nhà của một cá nhân nghệ sỹ.

Nhiều năm qua, Phủ Thành Chương đã từng đón các đồng chí lãnh đạo và đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Một số Bảo tàng, các Tổ chức văn hóa lớn trên thế giới đã có hồ sơ về Phủ Thành Chương như một địa chỉ văn hóa của Việt Nam.

Năm 2009, họa sĩ Thành Chương dẫn đoàn lãnh đạo Hà Nội đi khảo sát Việt Phủ làm điểm du lịch của 1000 năm Thăng Long Hà Nội. (ảnh: phapluattp.vn)

Ở Phủ Thành Chương, nhiều căn nhà truyền thống đã biến mất hoàn toàn sau các cuộc bê tông hóa làng quê đã được lưu giữ nguyên vẹn. Đây cũng là một công trình công phu với rất nhiều những giá trị truyền thống, giá trị dân gian, những di sản, cổ vật mà không chỉ có tiền bạc, còn tâm huyết, tài năng của Thành Chương mới có thể sưu tầm, phục dựng được.

Mới đây, trả lời phỏng vấn trên một tờ báo về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bức xúc đặt câu hỏi: “Giả sử Phủ Thành Chương xây dựng trái phép thật thì mục đích cuối cùng của Sở TN-MT Hà Nội là để làm gì? Sau khi Sở thu lại sẽ đập nát đi để trồng lên một số cây để giữ đất rừng?”.

Nếu đó là đất rừng, là chính sách, là chiến lược Nhà nước, là bất khả xâm phạm liên quan đến những vấn đề quốc phòng, an ninh thì không bao giờ Phủ Thành Chương có thể được xây dựng một cách thanh thiên bạch nhật mà không ai có ý kiến gì hoặc cơ quan chức năng không có biện pháp xử phạt.

Bao nhiêu năm qua, các cơ quan chức năng từ thành phố đến cơ sở đã làm gì mà để địa chỉ này hoàn thiện, tồn tại như vậy?

Khi nói đến vi phạm của Phủ Thành Chương cũng nên lưu ý một thực tế rằng khu vực đã giao cho dân quản lý, sử dụng và việc vi phạm đã diễn ra trên diện rộng, trong thời gian rất dài.

Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, không chỉ hoạ sĩ Thành Chương mà bất kỳ ai nếu vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, xử lý hồ sơ này một cách thấu tình, đạt lý là một bài toán hóc búa đối với Hà Nội.

Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đều quan trọng và chúng ta phải có nghĩa vụ giữ gìn như nhau. Nhưng cần phải xem xét kỹ lưỡng về vùng đất, vùng rừng, lịch sử nơi đó cho rõ ràng. Thượng tôn pháp luật là đúng nhưng luật pháp do con người sinh ra là để hướng con người tới việc làm đúng đắn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa ra giải pháp như thế này: “Tốt nhất là hợp thức hóa cho Thành Chương và tạo điều kiện để anh hoàn thiện nốt một công trình văn hóa có tầm cỡ quốc gia, thành một danh thắng độc đáo của Thủ đô Hà Nội.”

Còn quý độc giả nghĩ sao về vấn đề này?./.