Từ 25/10, Nghị định 73 của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn phân tầng, xếp hạng trường đại học đã có hiệu lực. Các chuyên gia và trường đại học đều khẳng định đây là xu thế tất yếu để sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học ở nước ta và xác định vị trí của từng trường. Tuy nhiên, các trường đều băn khoăn về tính khả thi của Nghị định bởi những tiêu chuẩn để phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học chưa rõ ràng.

phan_tang_jvhn.jpg
Các chuyên gia và trường đại học đều khẳng định phân tầng đại học là xu thế tất yếu

 Theo các chuyên gia và lãnh đạo các trường, mục tiêu của phân tầng là sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học, sao cho hệ thống này bao gồm những trường có sứ mệnh khác nhau, phục vụ cho những mục tiêu đào tạo nhân lực khác nhau. Mục đích của xếp hạng là để các trường biết vị trí của mình ở đâu, cung cấp thông tin cho xã hội, cho người học để họ lựa chọn. 

Tuy nhiên, Nghị định 73 của Chính phủ lại chia hệ thống đại học thành 3 tầng gồm: tầng định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. 

Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cách phân chia này chủ yếu dựa vào đặc trưng các loại hình nghiên cứu, như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và áp dụng, chứ không phân tầng rõ ràng các trường theo mục tiêu là sắp xếp lại các trường đại học: “Trong phân tầng của nhóm đại học định hướng nghiên cứu, chỉ thấy nhiệm vụ của nhóm trường này là nghiên cứu cơ bản, không ứng dụng, không chuyển giao, không có hợp tác giữa trường, viện, hợp tác giữa trường và cộng đồng xã hội gì cả. Cách phân tầng như vậy đã triệt tiêu một số chức năng của trường đại học”.

Không chỉ tên gọi, mà ngay cả ở các tiêu chuẩn cụ thể được quy định để phân tầng, xếp hạng trong Nghị định 73 cũng khiến nhiều người hiểu lầm là đại học định hướng nghiên cứu là ở tầng cao nhất, đại học định hướng ứng dụng là tầng trung bình và đại học định hướng thực hành là ở tầng thấp. Các tiêu chuẩn phân tầng và xếp hạng cũng rất chung chung, chưa đưa ra được các chỉ số cụ thể mà từng nhóm trường cần đạt được. 

heo ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, với các tiêu chuẩn theo Nghị định 73 thì rất khó để triển khai phân tầng và xếp hạng vì chưa đánh giá được đầy đủ thực tế hoạt động của các trường: “Muốn phân tầng được thì các tiêu chí ở từng bậc phân tầng phải rõ. Hiện nay trong Nghị định có thể hiện 1 tiêu chí đó là tiêu chí về đội ngũ giảng viên, theo tôi phần đó chưa đủ. Như vậy muốn Nghị định đi vào cuộc sống thì dứt khoát phải xây dựng một bộ tiêu chí rất đầy đủ của các trường. Xếp loại cũng phải có bộ tiêu chí để xếp loại”.

Điều khiến các trường lo lắng khi triển khai phân tầng và xếp hạng là ở cách thức thực hiện. Đó là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc phân tầng và xếp hạng có thực sự độc lập và khách quan khi mà theo Nghị định 73, đơn vị này sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định. Liệu bộ tiêu chuẩn có đảm bảo tính khoa học, đánh giá đúng chất lượng các trường hay không? 

Ông Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình kiến nghị nên giao cho Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam thực hiện kiểm định sẽ khách quan hơn khi giao cho các trường, hoặc đơn vị do Bộ chỉ định:  “Không thể chỉ có một bộ kiểm định để trên cơ sở đó phân tầng được. Mỗi vùng chức năng ấy nên có một bộ kiểm định riêng. Nếu chúng ta áp dụng một bộ kiểm định đại học nghiên cứu cho đại học ứng dụng, và đặc biệt cho các đại học thực hành nữa thì các đại học kia luôn luôn xếp hạng dưới. Bởi vì yêu cầu của các trường đại học nghiên cứu đòi hỏi rất cao về công trình công bố, về sinh viên quốc tế, năng lực nghiên cứu của trường đó cũng như cán bộ trong trường”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, điều quan trọng khi thực hiện phân tầng, xếp hạng là các tiêu chí phải rõ ràng để các trường có thể tự đánh giá, hoặc phấn đấu để đạt các chỉ số theo yêu cầu. Khi mục đích và tiêu chí phân tầng, xếp hạng chưa rõ ràng thì rất khó triển khai Nghị định trong thực tế./.