Nguyễn Thành Nam (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thế mạnh của em là những môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, bởi vậy khi biết môn thi thứ 4 là Lịch sử, Nam đã phải tập trung ôn tập rất nhiều.
“Em rất lo lắng bởi đây là môn em học không tốt cho lắm, khi học môn Lịch sử phải nhớ rất nhiều mốc thời gian và sự kiện lịch sử. Em thường dành thời gian buổi sáng sớm trong ngày để học thuộc và luyện đề. Khi thi theo hình thức trắc nghiệm, thì lại càng yêu cầu phải nhớ chính xác hơn cả thi tự luận. Tuy nhiên khi gần ngày thi, nhiều kiến thức đầu năm lớp 9 em đã ôn nhưng nay lại bị quên hoặc nhầm lẫn. Em rất lo lắng khi vào phòng thi căng thẳng sẽ quên mất những kiến thức đã ôn tập", Nam chia sẻ.
Lê Trần Anh Thư (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, điểm khó nhất khi học Lịch sử là việc nhớ chính xác các con số trong từng sự kiện lịch sử. “Em có làm một số đề thi thử thì nhận thấy nhiều câu hỏi có những đáp án gây nhiễu, đưa ra những mốc thời gian hoặc các sự kiện lịch sử gần giống nhau, rất dễ gây nhầm lẫn. Trong những lần thi thử, điểm môn này của em không cao lắm nên em cảm thấy khá lo lắng. Nhưng khi ôn tập kỹ môn Lịch sử, em lại thấy kiến thức môn Sử phục vụ khá tốt cho việc ôn tập môn Văn, bởi mỗi tác phẩm văn học ra đời đều gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định”.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh trong thời gian ôn tập nước rút, thầy Đặng Danh Hướng, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho rằng, trong thời điểm hiện tại, để ôn tập hiệu quả môn Lịch sử thí sinh cần phải phân chia thời gian ôn tập hợp lý, cụ thể. Trong mỗi buổi ôn tập nên dành ít nhất 30 phút để hệ thống lại kiến thức của buổi ôn tập trước đã tích lũy được bằng sơ đồ tư duy với những từ ngữ càng ngắn gọn càng xúc tích dễ hiểu càng tốt, để tránh mất nhiều thời gian cho việc hệ thống lại kiến thức đã học.
“Phần đa thời gian còn lại để tích lũy kiến thức mới các em chưa ôn, tích lũy kiến thức mới rất khó khăn bởi môn Lịch sử là môn khó nhớ, do đó thí sinh nên đa dạng các phương pháp học tập. Ví dụ như khi học theo sơ đồ tư duy mà cảm thấy căng thẳng có thể sử dụng phương pháp khác như nghe, xem kiến thức bài học bằng video trên các nền tảng công nghệ số…
Để nhớ được các mốc thời gian, sự kiện lịch sử, các em cần phải tìm ra điểm chung của mốc thời gian, sự kiện lịch sử, sau đó trình bày bằng phương pháp sơ đồ tư duy. Ví dụ như khi học mốc thời gian tháng 6/1925 Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, tháng 6/1929 Đông Dương Cộng sản đảng thành lập… hay khi học về sự kiện lịch sử thí sinh có thể phân thành các nhánh nguyên nhân, hoàn cảnh, diễn biến, kết quả và ý nghĩa”, thầy Hướng gợi ý cách học.
Thầy Đặng Danh Hướng cũng lưu ý, để đạt kết quả cao trong quá trình làm bài thi, các thí sinh cần lưu ý khi nhận đề phải kiểm tra qua một lượt xem đề thi có đủ trang, đủ số tờ theo quy định, quan sát xem bản in có bị mờ, bị nhòe chữ hay không. Nếu phát hiện không đủ số trang, số tờ theo quy định phải báo ngay với cán bộ coi thi để không làm ảnh hưởng đến kết quả khi làm bài thi.
Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý phương pháp làm bài thi là đọc đến đâu làm đến đó, thí sinh nên làm bài theo hướng từ câu số 1 cho đến hết, câu nào dễ dàng tìm ra đáp án tô ngay vào phiếu trả lời trắc nghiệm, câu hỏi phân loại cao khó có thể lựa chọn được đáp án đúng thì đánh dấu làm sau. “Tuy nhiên, việc bỏ qua câu hỏi có tính chất phân loại cao dễ dẫn đến tình trạng bỏ xót câu hỏi khi làm bài thi do vậy các em nên dùng bút khoanh to rõ ràng câu hỏi chưa làm trong đề thi để tránh tình trạng không trả lời hết câu hỏi bài thi.
Trước khi tô các đáp án của các câu hỏi trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên quan sát kỹ các đáp án trước khi tô để tránh tình trạng tô nhầm đáp án. Và khi muốn thay đổi các đáp án cần tẩy sạch đáp án muốn thay đổi sau đó mới tô đáp án mà mình lựa chọn”, thầy Hướng lưu ý.
Còn theo thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), những ngày sát kỳ thi, học sinh không nên ôm đồm và quá lo lắng vì trước đó đã có thời gian ôn tập cẩn thận. Các em nên đọc lại tất các chuyên đề mà thầy cô đã dạy. Ngoài ra, trong thời gian này, thí sinh cũng nên phân chia thời gian để có thể ôn tập được tất cả các môn, không nên dành thời gian quá nhiều cho một môn.
“Học sinh phải chủ động trong học tập, không chỉ trông chờ vào thầy cô. Khi các em chủ động sẽ tạo ra động lực lớn trong học tập. Thí sinh cũng cần tự tin, không quá áp lực, đề thi sẽ được ra ở mức độ phù hợp với điều kiện phải học ôn trực tuyến dài này”, thầy Cường cho biết.
Thầy Cường cũng lưu ý, trong những ngày thi, thí sinh nên tạm xa mạng xã hội. Bởi việc trao đổi trên mạng xã hội, xem đáp án, trao đổi với bạn bè sau khi làm bài thi không giúp cho bài đạt điểm cao hơn mà thậm chí làm cho tâm lí hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng xấu đến môn thi tiếp theo. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên tạo thêm bất cứ áp lực nào cho con, mà nên động viên và đồng hành cùng con trong suốt kỳ thi./.