Thông tin về kỳ thi này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhằm đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển, năm 2021, trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh bằng 3 phương thức xét tuyển là xét tuyển tài năng (chiếm 10-20%); xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm 50-60%); xét tuyển theo điểm bài thi kiểm tra tư duy (chiếm 30-40%).
Hiện tại, trường đã kết thúc giai đoạn nhận hồ sơ với phương thức tuyển thẳng, xét tuyển tài năng, phỏng vấn. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức phỏng vấn online vào ngày 16/5.
Đặc biệt, năm 2021, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng đánh giá tư duy với tiêu chí gọn nhẹ, tránh áp lực cho thí sinh. Theo đó, thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy sẽ làm bài thi trong 180 phút, hình thức thi trên giấy. Thời gian dự kiến vào ngày 15/7, tức 1 tuần sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Nguyễn Phong Điền cũng khuyến khích thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội nên đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá tư duy để tăng cơ hội trúng tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau.
Thông tin về nội dung của bài thi đánh giá tư duy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, nội dung bài thi tập trung chủ yếu trong chương trình THPT: “Đề thi được thiết kế đánh giá tương đối tốt năng lực học tập của các em để đáp ứng được chương trình học khá nặng tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Đề cũng sẽ được ra theo hướng đảm bảo tránh đi sâu vào các mẹo làm bài, tránh gây ra hiện tượng học thêm tràn lan, ôn luyện thi đánh giá tư duy”, thầy Điền nói.
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, đề thi đánh giá tư duy gồm 3 phần: Toán, đọc hiểu và phần tự chọn. Trong đó, phần Toán gồm cả các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, phần đọc hiểu gồm 4 bài đọc, mỗi bài đọc dài từ 800-1000 từ với khoảng 35 câu hỏi trắc nghiệm. Trong phần tự chọn, thí sinh có thể chọn một trong các phần thi gồm kiến thức Vật lý, Hóa học hoặc Hóa học, Sinh học hoặc tiếng Anh.
Các câu hỏi trong đề thi ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những câu đòi hỏi thí sinh cần sự tư duy khá sâu mới có thể giải quyết. Các câu hỏi dựa trên những vấn đề, bài toán thực tế.
“Nhiều thí sinh đặt ra câu hỏi đề thi có giống với đề cương đã công bố hay không? Trường chỉ đưa ra một số ví dụ để thí sinh hình dung được cấu trúc đề thi, mỗi phần thi lại có những câu hỏi khác nhau, tuy nhiên, khối kiến thức đều nằm trong chương trình THPT, không hỏi những kiến thức bên ngoài. Còn việc ra đề ra sao để học sinh vận dụng được kiến thức thực tế của học sinh là bí quyết của các thầy cô ra đề”, thầy Kiên cho biết.
Sẽ không có lò luyện thi riêng
PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cũng khẳng định, trường không tổ chức các lớp ôn tập cho thí sinh thi đánh giá tư duy: “Với đề cương như đã công bố, đảm bảo không có trung tâm nào có thể tổ chức luyện thi với bài thi này. Những thí sinh tại các địa phương ngoài Hà Nội hoàn toàn yên tâm không có chuyện thí sinh ở Hà Nội hay gần ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có cơ hội ôn tập các lớp luyện thi riêng. Với đề thi này, nếu nắm vững kiến thức bậc THPT các em hoàn toàn có thể làm được”.
Lưu ý thí sinh về cách tính điểm và phân bổ thời gian làm bài thi đánh giá tư duy, PGS.TS Vũ Duy Hải cho biết, thời lượng làm bài của phần Toán là 90 phút/180 phút, tương ứng với 15 điểm trên tổng thang điểm 30, phần đọc hiểu có thời gian làm bài 30/180 phút, tương ứng với 15 điểm và phần tự chọn có 60 phút làm bài, tương ứng với 10 điểm. Do đó, khi làm bài, thí sinh cần căn cứ vào số điểm từng phần và thời gian làm bài để có sự phân bổ hợp lý.
Điểm thi đánh giá tư duy năm 2021 sẽ thay đổi thế nào?
Thầy Nguyễn Phong Điền cho biết, năm 2020, ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng bài thi đánh giá tư duy như một phần dữ liệu điểm, kết hợp với bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Đến năm 2021, trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy như một phương thức độc lập và riêng biệt với điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó rất khó để dự đoán mức điểm chuẩn theo phương thức đánh giá tư duy của năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho thí sinh, sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi, trường sẽ công bố điểm sàn, mức điểm dự báo trúng tuyển để thí sinh cân nhắc thay đổi nguyện vọng cho phù hợp.
“Dự báo điểm chuẩn này có thể không đúng 100% nhưng chính xác đến trên 90%, giúp các em giảm áp lực đau đầu suy xét khả năng đỗ’, thầy Điền cho biết.
Lưu ý thí sinh về cách sắp xếp nguyện vọng, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho hay, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng 1 cách thông minh để tăng tỷ lệ đỗ. Những nguyện vọng mong muốn và yêu thích nhất nên ưu tiên lên đầu bởi khi thí sinh đã trúng tuyển vào 1 trường, hệ thống sẽ tự động không xét các nguyện vọng còn lại.
Sau khi có điểm thi, thí sinh có 2 tuần để điều chỉnh nguyện vọng, trong thời gian này, căn cứ vào số điểm và dự báo của các trường để điều chỉnh cho phù hợp./.