Trước sự phản ứng của nhiều phụ huynh và xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa chỉ đạo các đơn vị tạm dừng tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn” đồng thời tiến hành rà soát các vấn đề liên quan đến cuộc thi này ở các trường học.
Sau động thái trên của Bộ GD-ĐT, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn là ngành Giáo dục có nên tổ chức cuộc thi trí tuệ trực tuyến giống như cuộc thi “Chinh phục vũ môn” ở trường học hay không và nếu thực hiện thì việc quản lý học sinh tham gia trò chơi này nên theo hướng nào.
Chị Nguyễn Thu Vân – một phụ huynh ở phố Mai Dịch, Hà Nội cho biết, việc học sinh có nên tham gia các cuộc thi trí tuệ trực tuyến hay không còn tùy thuộc vào từng đối tượng, thế mạnh học tập, trí thông minh, tố chất của mỗi em…
Có những học sinh cảm thấy chương trình học tập là vừa phải, không nặng nề nên tham gia cuộc thi trí tuệ trực tuyến sẽ giúp các em giải trí, thư giãn. Tuy nhiên, có những em cảm thấy chương trình học tập đã quá nặng nề thì sẽ không thể tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Một phụ huynh khác là chị Trần Mai Phương, ở phố Xuân Thủy, Hà Nội có con đang học lớp 9 tại trường THCS Nguyễn Tất Thành cho rằng, nếu cuộc thi trí tuệ bị len lỏi vào các trường Tiểu học thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tập trung trong học tập của học sinh vì lứa tuổi này các em vẫn còn rất mải chơi, chưa quen với tác phong học tập theo nền nếp.
Nếu gia đình không kiểm soát tốt việc học sinh tham gia cuộc thi trực tuyến mà lại yêu cầu nạp tiền thì rất nguy hiểm vì có thể các em không sử dụng đồng tiền đó dùng cho việc nạp thẻ mà có thể mua các vật dụng khác hoặc bị kẻ xấu dụ dỗ khi biết các con có tiền.
Đối với học sinh lớp 9 đang là lớp cuối cùng ở cấp THCS thì các trường học không nên khuyến khích các con tham gia cuộc thi trí tuệ trực tuyến vì đây là năm học các em cần sự tập trung cao trong việc ôn tập để thi vào cấp THPT.
Bìa mô tả về một bài trong cuộc thi "Chinh phục vũ môn" (ảnh: appstore.zing.vn) |
Phải có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía nhà trường, gia đình
Bên cạnh những ý kiến phản đối việc ngành Giáo dục không nên tổ chức các cuộc thi kiểm tra trí tuệ trực tuyến của học sinh như cuộc thi “Chinh phục vũ môn” thì cũng có ý kiến cho rằng, đây là cuộc thi rất tốt, có khả năng phát hiện trí thông minh, sự nhanh nhẹn của học sinh. Tuy nhiên, khi đã đưa cuộc thi vào trường học thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ.
Cô giáo Vũ Thị Lan, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình nêu quan điểm: Những cuộc thi mang tính phát huy tính sáng tạo, mở rộng trí tuệ là rất tốt. Tuy nhiên, cuộc thi kiểm tra trí tuệ của học sinh dưới dạng trò chơi trực tuyến thì chúng ta phải có cách thức kiểm tra học sinh sử dụng theo đúng mục đích tốt đẹp. Các trường học không nên để học sinh quá lạm dụng cuộc thi mang tính kiểm tra trí tuệ.
Nếu cuộc thi được đưa vào trường học thì giáo viên và phụ huynh cần có sự giám sát thời gian học sinh tham gia chơi một cách phù hợp, tránh ảnh hưởng tới việc học tập của các em. Như vậy, ý nghĩa của cuộc thi sẽ có tác dụng tốt là phát hiện, kiểm tra trí thông minh của học sinh hơn là như một trò chơi giải trí.
Theo cô Vũ Thị Lan, một cuộc thi trí tuệ dưới dạng cho học sinh tham gia theo hình thức trực tuyến mà yêu cầu các em phải nạp tiền thì gia đình phải kiểm soát được đồng tiền đó được sử dụng như thế nào, có đúng là để nạp tiền tham gia cuộc thi hay là sử dụng vào mục đích khác. Việc nạp tiền nên do chính phụ huynh nạp trực tiếp vào thẻ cào giống như nộp học phí chứ không nên để học sinh tự nạp.
Để quản lý hiệu quả việc học sinh tham gia các cuộc thi trí tuệ theo hình thức tham gia trực tuyến, cô giáo Vũ Thị Lan cho rằng, ngành Giáo dục nên yêu cầu công ty game chỉ cho học sinh tham gia trò chơi vào khoảng thời gian nhất định, chứ không nên mở cổng tràn lan, lúc nào học sinh cũng có thể chơi được./.
Bộ trưởng Giáo dục chỉ đạo dừng tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn“
Bộ Giáo dục - Đào tạo lên tiếng về việc đưa game online vào trường học