Đợt thi khảo sát của hơn 62.000 học sinh lớp 12 vừa diễn ra tại Hà Nội được đánh giá là kỳ sát hạch quan trọng, rút ra bài học kinh nghiệm trước khi chính thức bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Đáng tiếc, nhiều sự cố về đề thi đã xảy ra...
Tham gia 16 cụm thi, học sinh (HS) lớp 12 các trường trên toàn thành phố được thi, chấm thi giống như thật trong đợt khảo sát các môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Kết quả của đợt khảo sát này không chỉ làm căn cứ để điều chỉnh, định hướng việc dạy và học đối với học sinh lớp 12, mà còn là trải nghiệm, tập dượt cho những người làm công tác tổ chức coi thi, chấm thi làm quen với cách thi THPT Quốc gia 2017 sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Học sinh thi các môn gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp (bài Khoa học tự nhiên). Đề Văn được đánh giá tương đối dễ, tuy nhiên không phát huy được sức sáng tạo của học sinh và hơi dài. Em Minh Châu, HS trường THPT Việt Đức cho biết: Đề thi Ngữ văn hơi dài, nhạt và nặng lý thuyết, không huy động sự sáng tạo của HS trong việc sử dụng từ ngữ mà chỉ nặng về hô hào khẩu hiệu. Các câu hỏi ở phần đọc hiểu tương đối dễ, có phần hơi nhàm chán, không phát huy nhiều khả năng tư duy sáng tạo của học sinh.
Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương, giáo viên Ngữ văn cũng nhận định, phần đọc hiểu và Nghị luận xã hội đề cập những vấn đề quen thuộc, truyền thống, có tính giáo dục với học sinh. Nội dung của hai phần này ít mới mẻ, độc đáo.
Đáng nói là, trong 2 ngày thi 20 và 21/3, các lỗi ở đề thi thử liên tiếp được phát hiện, thậm chí có đề thi còn được đánh giá là quá khó so với những học sinh có học lực trung bình. Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trong bài thi khảo sát môn Toán có một câu ở mã đề 015 bị sai. Nguyên nhân là khi đánh máy bị lỗi giữa số “-1” và “1” nên câu hỏi trắc nghiệm số 37 về hàm số của mã đề này không có đáp án đúng. Lỗi này thuộc về lãnh đạo ban ra đề thi đã không chú ý nên để sai sót về mặt kỹ thuật. Sau khi kết thúc kỳ khảo sát và bắt đầu chấm điểm, Sở sẽ có hướng dẫn giải quyết. Hiện nay, phương án giải quyết của Phòng Giáo dục phổ thông là sẽ cho điểm làm đúng tất cả học sinh ở câu hỏi bị sai này.
Tiếp đó, trong buổi khảo sát môn Hóa học, bài tổ hợp thi ở đề 3, câu 62 không có phương án C, ông Hoan cũng cho biết đây là do lỗi kỹ thuật khi đảo đề nên ở câu 62, phương án C bị đè lên khiến không có nội dung. Ngay trong sáng 21/3, khi chưa bắt đầu môn thi, Sở GD-ĐT đã phát hiện ra sai sót và báo cho toàn bộ các hội đồng thi nhắc nhở thí sinh không chọn đáp án C ở câu hỏi này. Được biết, quy trình làm đề thi do Phòng Giáo dục phổ thông thuộc Sở chủ trì. Bên cạnh đó, phòng có mời thêm một số giáo viên giỏi ở một số trường phổ thông tham gia. Việc để xảy ra sai sót như trong đề Toán và Hóa được cho là do lỗi kỹ thuật.
Tiến sĩ toán học Lê Thống Nhất, Tổng giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (Big School) cho rằng: “Khi làm đề thi, lỗi về mặt cơ học thì có thể dễ thống nhất, còn đánh giá đề thi khó, dễ thì hiện chúng ta chưa có chuẩn. Điều khó với các sở, các trường là Bộ GD-ĐT mới chỉ ban hành 1 đề minh họa và 1 đề thi thử nghiệm nên người làm đề thi rất khó hình dung. Bộ nên ban hành thêm nhiều đề thi để giúp người ra đề quy nạp ra thế nào là đề chuẩn. Việc đảm bảo mức độ khó dễ giữa các đề thi tương đương cũng là một khó khăn lớn khi một phòng có 24 mã đề. Các mã đề phải tương đương nhau thì việc đánh giá HS mới chính xác và công bằng, nếu không sẽ gây thiệt thòi cho các em. Để làm một ngân hàng đề thi, chúng tôi phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi và phải qua cọ xát nhiều lần mới ra. Cần xác định rõ, không phải cứ giáo viên giỏi là có kỹ năng ra đề tốt”.
Sai sót trong đề thi thử ở Hà Nội: Bộ Giáo dục nói về đề thi chuẩn hóa
Cần có những điều chỉnh phù hợp
HS Mai Hoa, học lớp 12 một trường THPT thuộc quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Khi làm bài tổ hợp KHXH với 3 môn liên tục khiến em khá căng thẳng, thậm chí có bạn bị hoảng loạn làm cho cả phòng cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Em mong thời gian nghỉ giữa các môn không chỉ 10 phút mà cần điều chỉnh thành 20 phút để chúng em chuẩn bị tâm lý tốt cho môn thi tiếp theo”. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại cho rằng, dù chỉ nghỉ 10 phút giữa các môn thì cũng thấy căng thẳng do khó kiểm soát khi HS đi ra, đi vào.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) cho rằng, đợt kiểm tra này không chỉ giúp học sinh mà ngay cả giáo viên cũng được tập dượt quy trình theo đúng quy chế vì năm nay có nhiều điểm mới. Đặc biệt đối với các môn thi tổ hợp, đề thi cần được kiểm duyệt kỹ hơn nữa để tránh sai sót không đáng có. Thực tế, việc làm bài thi tổ hợp gồm 3 môn kéo dài tới 150 phút cũng gây áp lực cho cả thầy và trò.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, kỳ khảo sát này là rất cần thiết, nếu sở không tổ chức thì trường sẽ phải làm vì năm nay quy chế có nhiều điểm mới. Qua kỳ thi khảo sát này, các thầy cô cũng nắm vững quy chế để tránh sai sót không đáng có. Với một số môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm như Giáo dục công dân, Toán thì cả thầy và trò đều cần được làm quen nhiều vì nó đòi hỏi các em phải thay đổi tư duy, có kỹ năng phán đoán, nhận định, ra quyết định khi lựa chọn đáp án. Và qua đó chúng tôi sẽ biết được thực lực HS đến đâu nhằm điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp để các em có thể đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi lớn sắp tới. Bên cạnh đó, tôi thấy đối với công tác in sao đề thi cũng cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Bởi với khối lượng công việc lớn, phải in sao hàng vạn đề thì đòi hỏi chúng ta phải làm kỹ lưỡng, cẩn thận hơn./.
Hà Nội: Lại xảy ra sai sót trong đề thi thử môn Hóa học
Sở Giáo dục Hà Nội giải quyết sai sót trong đề thi thử môn Toán