Theo kết quả thăm dò đăng ký nguyện vọng dự thi THPT Quốc gia 2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội, số lượng thí sinh đăng ký môn Lịch sử vẫn rất ít. Thậm chí, một số trường không có học sinh nào đăng ký. Vì sao học sinh không đăng ký môn thi Lịch sử mà hầu hết lựa chọn môn thi tự chọn Hóa, Sinh, Lý, Địa?

Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sẽ có 8 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và các môn tự chọn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Năm nay, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2016, qua khảo sát mới đây của các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, rất ít thí sinh lựa chọn thi môn Lịch sử.

mon_su_thi_koog.jpg
Thí sinh duy nhất dự thi môn Sử tại hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) năm 2015 (Ảnh: VNE)

Tại các trường như THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa có khoảng 70 học sinh dự thi, Trường THPT Ba Vì có 60 học sinh trong số 520 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, Trường THPT Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ có 56 học sinh trên 595 học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử…

Một số trường không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Lịch sử, như trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm; Trường THPT Lương Thế Vinh vài năm trở lại đây không có học sinh nào đăng ký dự thi… Hầu như học sinh đều lựa chọn môn thi tự chọn là Hóa, Lý, Sinh.

Ông Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm cho biết: “Nhà trường tổ chức cho học sinh thi thử, không có học sinh nào thi môn Lịch sử cả. Học sinh đăng ký chủ yếu vào khối A, B và A1. Đây là 3 khối học sinh lựa chọn nhiều nhất. Nhà trường dạy theo đúng tiến độ chương trình, không dạy nhanh hoặc chậm. Năm ngoái, trường cũng không có học sinh nào thị Lịch sử; năm nay cũng không, còn đến lúc chính thức thi thì chưa rõ lắm”.

Học sinh không lựa chọn môn thi Lịch sử cho biết, do áp lực từ xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, nên các em có xu hướng chọn môn thi tự nhiên ít phải học thuộc. Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội nói: “Em chọn môn tự nhiên thiên về logic và tư duy hơn là môn Lịch sử. Tại vì chúng em học những môn tự nhiên dễ hiểu, nhớ được, còn môn Lịch sử thì quá nặng về lý thuyết, phải học quá nhiều sự kiện diễn biến và ý nghĩa”.

Còn theo phân tích của Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, để vào được các trường đại học như mong muốn, học sinh sẽ tập trung học và đăng ký những môn theo khối thi mà mình chọn. Trong khi đó khối ngành mà có môn thi Lịch sử lại khó xin việc nên ít học sinh lựa chọn môn thi này là điều khó tránh khỏi.

Ông Vũ Minh Giang cho rằng: “Kiến thức xã hội nhân văn, học là để trang bị cho con người vào đời chứ không phải dạy cho nghề kiếm tiền. Tức là trước khi đi vào nghề gì đó, thì các em chuẩn bị thi khối đó. Đấy là một quan niệm hết sức sai lầm. Để tránh tình trạng học gì thi đấy, với cải cách từng bước này sẽ không còn theo kiểu A, B, C nữa mà đề thi theo kiểu đánh giá năng lực”.

Thời gian tới, giáo dục Việt Nam sẽ chuyển từ một nền giáo dục tiếp cận nội dung, lấy kiến thức cụ thể để dạy sang một nền giáo dục dạy kĩ năng, tri thức tối thiểu, dạy điều căn bản. Theo đó, cần đổi mới chương trình sách giáo khoa, nhất là môn Lịch sử sao cho phù hợp, dễ học, dễ nhớ, làm cho học sinh thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình phải học và thực sự yêu thích môn học này./.