Tại Phú Yên, số ca F0 tăng nhanh trong những ngày gần đây, vì vậy, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này cho hay, Sở đã đề xuất cho học sinh và giáo viên tham gia kỳ thi được xét nghiệm Covid-19 trước kỳ thi. Hiện, UBND tỉnh Phú Yên đang cân nhắc đề xuất của Sở và sẽ đưa ra phương án tổ chức kỳ thi vào ngày 4/7.
Năm nay, Bình Dương có 13.611 thí sinh dự thi với 25 điểm thi, trong đó một điểm thi bị phong tỏa và đã được tỉnh kịp thời chuyển sang địa điểm mới. Cũng giống như Phú Yên, Bình Dương đang chờ quyết định vào ngày 4/7 của UBND tỉnh để biết có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 hay không.
Đưa thí sinh F1 đi thi bằng xe chuyên dụng y tế
Còn tại Đà Nẵng, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay, địa phương quyết định tổ chức một đợt thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT vào ngày 7, 8/7 cho 12.716 thí sinh tại 31 điểm thi.
Theo đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng, phương án được đưa ra là, học sinh diện F1, F2 và học sinh ở các vùng phong tỏa cách ly sẽ tham gia thi ở điểm thi riêng, được đưa đón từ khu cách ly hoặc từ nơi ở đến địa điểm thi. Riêng học sinh diện F1 được đưa đón bằng xe chuyên dụng của ngành Y tế. Mỗi diện thí sinh sẽ được bố trí phòng thi khác nhau và tối đa 12 thí sinh/phòng thi. Các em cũng sẽ được hỗ trợ ăn trưa, nước uống và nghỉ ngơi tại chỗ.
Cán bộ làm công tác thi sẽ được trang bị bảo hộ, được tập huấn đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trước khi thực hiện nhiệm vụ. Điểm thi được đảm bảo khử khuẩn, vệ sinh trước và sau mỗi buổi thi, bài thi của thí sinh cũng được khử khuẩn trước khi đưa vào cất giữ.
Quảng Ngãi đã huy động hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, lực lượng hỗ trợ tham gia công tác tổ chức kỳ thi, tất cả đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo thông tin từ đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, hiện có 1 người trong Ban in sao đề thi thuộc đối tượng F2. Hội đồng thi đã có phương án ứng phó với tình huống F2 trở thành F1. Tuy nhiên, dù diễn biến thế nào thì công tác in sao đề thi vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình và quy chế.
Mặc dù đến thời điểm này chưa có thí sinh nào thuộc diện F1, F2, song tỉnh Quảng Nam cũng đã bố trí thêm các điểm thi dự phòng. Tại các điểm thi, công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm sát sao. Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường phổ thông theo dõi sát sao yếu tố dịch tễ của tất cả học sinh và cán bộ tham gia kỳ thi để kịp thời có phương án phù hợp.
Địa phương toàn quyền quyết tổ chức một hay hai đợt thi
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung về kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, với ý nghĩa của một kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ cho nhiều trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất cao của toàn ngành và toàn xã hội.
Trong bối cảnh của một năm đặc biệt, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, số 1 phải là đảm bảo an toàn. An toàn không chỉ đơn thuần là phòng chống dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn về sức khoẻ, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an toàn trong những tình huống mưa bão, lũ lụt…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tổ chức kỳ thi 1 đợt, hay 2 đợt sẽ do địa phương quyết định dựa trên tình hình thực tế và có tham vấn của ngành Y tế. Kỳ thi này sẽ do địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nguyên tắc chung là đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Từ nay đến khi kỳ thi diễn ra, đại diện Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương cần rà soát lại kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo nguồn lực và các điều kiện cần thiết trong coi thi, chấm thi. Đặc biệt, cần xây dựng phương án với nhiều kịch bản khác nhau nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Công tác chỉ đạo cần được thực hiện sát sao, thường xuyên, có sự phối hợp giữa các sở, ngành; bình tĩnh xử lý khi các tình huống đột xuất xảy ra.
Địa phương nào chưa hoàn chỉnh việc tập huấn, cần khẩn trương thực hiện. Tài liệu tập huấn cho cán bộ coi thi, thanh tra, kiểm tra cần được chuẩn bị kỹ càng, tường minh, dễ hiểu. Phát huy ưu thế của hình thức trực tuyến trong phổ biến, quán triệt Quy chế thi đến thí sinh và những người làm thi.
Ngoài ra, cần đề phòng gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Chủ động tuyên truyền, tạo sự đồng thuận đối với học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.
Riêng về xét tuyển đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ sẽ có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ở cả hai đợt thi. Hiện, Bộ đã dự kiến phương án xét tuyển 1 lần cho cả 2 đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, đảm bảo quyền lợi và sự công bằng đối với thí sinh.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn khiến cho khoảng cách thi đợt 2 với đợt 1 quá xa, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn trong công tác tuyển sinh, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh./.