Mức điểm "phi thường"

Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục nổi tiếng ở Hà Nội, một trong những người đầu tiên đưa ra nghi vấn điểm thi cao bất thường của Hà Giang lên mạng xã hội cho biết, bất thường về điểm xảy ra khi đồng loạt điểm các môn thi của một thí sinh đều cao.

Ví dụ trường hợp của T.T ở THPT chuyên Hà Giang, em có cả 3 môn trong bài thi tổ hợp KHTN cùng trên 9,5 là điều phi lý.

“Sự phi lý nằm ở những trường hợp như T.T bởi với đề như năm nay, để đạt trên 9 điểm của mỗi môn là rất khó, rất xuất sắc.

diem_thi_1_bkas.jpg
Số thí sinh của Hà Giang đạt 9-10 điểm (xanh) so với cả nước (đỏ). (Ảnh: vtv.vn).

Chẳng hạn năm nay, Hà Nội có 78.000 thí sinh nhưng cả thành phố này chỉ có 27 thí sinh trên 9 điểm Toán. Trong khi đó, T.T đạt tới 4 môn trên 9,5 điểm là quá phi thường”, ông Ngọc nói.

Đặc biệt, với 3 môn KHTN diễn ra liên tiếp, chỉ cách nhau 10phút/môn, đề thi lại cực khó. Chưa kể, việc cả 3 môn KHTN cùng điểm cao vốn là điều không cần thiết. Thông thường, ít thí sinh nào phải làm thế vì chỉ cần 2 trong 3 môn đó là đủ để tạo thành khối thi. Do vậy, dư luận đang đặt ra vấn đề có khuất tất gì ở đây không?

Ngoài ra, trên mạng xã hội đang đặt ra nghi vấn 3 thí sinh là “con ông cháu cha” nên có điểm số rất cao, trong khi điểm thi thử trước đó của các em rất lẹt đẹt.

Phân tích thêm về điều này, ông Ngọc cho hay, với kinh nghiệm học và dạy học mấy chục năm nay, ông có thể khẳng định điểm thi thử thường thấp hơn điểm thi thật nếu trường tổ chức thi thử quá sớm, cách quá xa kỳ thi thật, đề thi thử của trường quá khó so với đề thi thật.

Đối chiếu với trường hợp của Hà Giang, cả 2 điều này đều không xảy ra bởi theo lịch thi thử của đơn vị này, lần 1 diễn ra vào tháng 2, thi thử lần 2 vào tháng 4 và theo dữ liệu có được, đề thi của THPT Chuyên Hà Giang không khó hơn đề thi thật của Bộ GD-ĐT.

Thứ hai, mặc dù điểm thi thử có thể thấp hơn điểm thi thật nhưng tương quan xếp hạng giữa các học sinh với nhau thì không khác biệt nhiều, nghĩa là có thể điểm thi thử của cả trường có thể cùng thấp hơn điểm thi thật nhưng nếu khi thi thử bạn A cao hơn bạn B đáng kể thì đi thi thật cũng thế.

"Những học sinh giỏi thực sự luôn có ý thức nội tại để đảm bảo kết quả của mình và so sánh xếp hạng với các bạn khác luôn ở mức tốt nhất có thể và rất ổn định. Những bạn mà điểm thi thử đã nằm trong Top đầu của trường thì khi thi thật cũng sẽ thường như vậy", ông Ngọc chia sẻ.

Các em đều thuộc nhóm học tốt

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Giang, năm nay nhà trường có ba thí sinh được điểm cao nhất cả nước, đó là T.K. T. T., H. H. L. và N. V. A.

Trường THPT chuyên Hà Giang (Ảnh: Mỹ Hà).

Trong đó T. là học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, có khả năng tiếp nhận kiến thức tốt, dự định T. theo khối ngành y. Bản thân cô Hằng là giáo viên trực tiếp hướng dẫn và dạy T. trong đội tuyển cấp tỉnh nên rất thấu hiểu năng lực của em.

H. L. là học sinh có khả năng Tiếng Anh tốt, em tham gia vào CLB Tiếng Anh của trường. Cả T. và L. đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Ngoài ra năng lực của V.A., cô Hằng không nắm được chính xác.

Trước kết quả thi THPT quốc gia và thi thử chênh lệch của top 3 học sinh này, cô Hằng cho hay: “Học tài thi phận là những điều chúng ta không thể nói trước được. Chúng tôi trân trọng năng lực của các em dù tốt hay chưa thực sự tốt. Điểm thi thử có thể không nói lên điều gì. Năm nay trường cho tổ chức đề thi thử hai lần đều bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT”.

Trả lời nghi vấn về việc dư luận cho biết 3 thí sinh này là “con ông cháu cha”, nữ Phó hiệu trưởng cho biết, hai trong số 3 em có gia cảnh bình thường, còn một học sinh, cô không nắm rõ./.