Thông tin Cục Xuất bản – Tin và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép tái bản các cuốn từ điển của cố Giáo sư Nguyễn Lân (gọi chung là từ điển Tiếng Việt) đang khiến dư luận băn khoăn. Bởi thời gian qua, một số nhà nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ đã có nhiều bài viết, công trình khảo cứu đã chỉ ra một số sai sót, hạn chế trong các cuốn từ điển này.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Hoàng Tuấn Công – tác giả cuốn Từ điển Tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Lân - phê bình và khảo cứu. Sách do NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam Book ấn hành, giúp quí vị và các bạn có thêm thông tin về vấn đề này.

tu_dien_gs_nguyen_lan_jrlb.jpg
(Ảnh minh họa)

Phóng viên:Thưa ông, ông suy nghĩ như thế nào khi cất công khảo cứu lại cuốn từ điển Thành ngữ Tục ngữ của GS Nguyễn Lân?
Tác giả Hoàng Tuấn Công:Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều, từ điển có sai sót thì nên chỉnh sửa lại để phục vụ độc giả được tốt hơn, chứ không có ý gì khác. Thực tế trong thời gian qua tôi cũng có nhiều bài viết, phê bình, khảo cứu về từ điển của nhiều tác giả khác chứ không riêng gì của GS Nguyễn Lân. Ví dụ như những bài phê bình liên quan đến từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương; từ điển Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung, hay giải nghĩa tục ngữ Việt của Nguyễn Văn Cừ, và rất nhiều cuốn từ điển mới biên soạn khác. Trong đó những góp ý chỉnh sửa của tôi được Trung tâm từ điển học Việtlex sử dụng, và sử dụng trong những lần tái bản tiếp theo của họ, họ rất hoan nghênh. Có chăng, khác ở đây là những bài phê bình khảo cứu về cuốn Từ điển của Giáo sư Nguyễn Lân mang tính hệ thống hơn, và tập hợp thành hẳn một cuốn sách để xuất bản.
Phóng viên: Vậy khi quyết định tập hợp tất cả các bài viết của mình để xuất bản thành cuốn sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân phê bình và khảo cứu” ông có nghĩ mình sẽ phải chịu sức ép nào từ dư luận không, khi đây là công trình của một Giáo sư thuộc hàng "cây đa cây đề" của Việt Nam?
Tác giả Hoàng Tuấn Công: Thực ra thì tôi đã nghĩ đến điều đó từ khi bắt tay vào làm bản thảo chứ không phải thời điểm xin xuất bản cuốn sách. Tuy nhiên, tôi nghĩ khoa học là khoa học. Khoa học chỉ có đúng với sai chứ không căn cứ vào tuổi tác, danh tiếng hay học hàm học vị. Mặt khác tôi cũng hình dung những khó khăn khi xin giấy phép xuất bản và thực tế là đúng như vậy. Tuy nhiên, dù phải trải qua rất nhiều gian nan trở ngại, nhưng cuối cùng cuốn sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân phê bình và khảo cứu” cũng đến được tay độc giả, được độc giả đón nhận, đó là điều rất đáng mừng,
Phóng viên: Như vậy, ông có đồng tình với Cục Xuất bản là sẽ cấp phép tái bản cuốn “Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ” của GS Nguyễn Lân không?
Tác giả Hoàng Tuấn Công: Tôi cho rằng Cục xuất bản cũng có cái lý của họ. Bởi về nguyên tắc những phê bình và khảo cứu trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân phê bình và khảo cứu”, suy cho cùng chỉ là những quan điểm, ý kiến cá nhân của tác giả. Trong khi công trình của GS Nguyễn Lân được trao tặng giải thưởng Nhà nước, đã vượt qua nhiều bước thẩm định của các nhà khoa học, vì vậy không có lý do gì mà Cục Xuất bản lại không cho tái bản, trừ khi có một Hội đồng thẩm định mới, bác bỏ những đánh giá, thẩm định của Hội đồng trước đây.
Phóng viên: Thưa ông, có thể nói đây là một công trình nghiên cứu, cụ thể đây là một cuốn từ điển có một số sai sót, rất dễ gây ngộ nhận và tác động đến người sử dụng nhất là với học sinh và sinh viên, vậy theo quan điểm của ông cơ quan chức năng nên xử lý vấn đề này như thế nào để có thể hài hòa được nhiều lợi ích?
Tác giả Hoàng Tuấn Công: Đây là một vấn đề rất là hay và nên đặt ra, theo tôi cách làm hài hòa nhất là Cục Xuất bản tạm dừng việc cấp phép tái bản. Tạm gọi là tạm dừng chứ không phải là không cho, vì vấn đề từ điển của GS Nguyễn Lân đang gây tranh cãi, bởi vậy là nên tạm dừng đến khi có kết luận chính thức của Hội đồng thẩm định.
Phóng viên :Vâng, xin cảm ơn ông !./.