Một học sinh nam trường THPT Nguyễn Khuyến (phường 13, quận Tân Bình, TP HCM) nhảy lầu tự tử đã khiến nhiều người bàng hoàng.
Điều đặc biệt lưu ý là nguyên nhân ban đầu dẫn đến học sinh có hành động như này, theo thông tin từ phía cơ quan công an cung cấp là do trước khi tự tử, em có để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực trong học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn em có điểm số tốt hơn để được học lớp đứng đầu khối 10.
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến cơ sở phường 13, quận Tân Bình (nơi em C. thiệt mạng) |
Kỳ vọng của người lớn chưa đúng với năng lực, sở thích của con
Nhận định về vụ việc này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, nam sinh lớp 10 đã tự tử ở trường THPT Nguyễn Khuyến đang ở trong giai đoạn lứa tuổi chuyển đổi tâm sinh lý nên rất dễ bị tổn thương, dễ bị sang chấn và khủng hoảng về tâm lý, tình cảm.
Hơn nữa, học sinh ở độ tuổi này thường còn thiếu các kỹ năng sống cơ bản, như: kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giao tiếp – hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề...
Khi gặp khó khăn trong học tập, em đã không biết chia sẻ và tìm sự trợ giúp, nên đã dẫn đến những quyết định và hành động rất đáng tiếc.
Ngoài ra, có thể còn những nguyên nhân khác mà chúng ta cần tìm hiểu thêm khi nam sinh lại có hành động như trên.
Theo PGS.TS Hồng Thuận, học sinh, sinh viên tự tử đang có biểu hiện lan rộng trong xã hội do gần đây, trên mạng xã hội đưa những thông tin về hiện tượng này. Các em lại là đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội nên rất dễ bị ảnh hưởng.
Hiện nay, nhất là ở Việt Nam, việc học tập của học sinh nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía nhà trường, gia đình, người thân, thậm chí cả xã hội.
Đây là dấu hiệu tốt nhưng nó cũng có mặt trái ngoài ý muốn, như sự kỳ vọng quá lớn từ phía cha mẹ khiến họ đã chủ động đặt ra những mục tiêu quá cao để con họ phải phấn đấu.
Tuy nhiên, mục tiêu này chưa hẳn đã được dựa trên năng lực, sở thích thực sự và nguyện vọng chính đáng của con. Nhiều phụ huynh đã áp đặt những mục tiêu, nhiệm vụ học tập cho con mà lại chỉ dựa trên sự tính toán về lợi ích tương lai của con, thậm chí là chạy theo xu thế của xã hội hoặc của đa số phụ huynh học sinh.
Việc kỳ vọng quá nhiều vào học sinh cũng có thể là do từ phía nhà trường và giáo viên, bởi vì chính họ cũng bị những áp lực về bệnh thành tích.
Một số trường cũng đưa ra yêu cầu đối với học sinh cao hơn khả năng thực tế của các em, thông qua việc giao nhiệm vụ quá nhiều hoặc quá nặng đối với các em.
Trong khi lẽ ra, việc đánh giá học sinh chỉ để phân loại và hiểu rõ đặc điểm nhận thức của các em nhằm đưa ra phương pháp giảng dạy hoặc để định hướng các em có cách học tập phù hợp; thì thay vào đó, nhiều trường lại đánh giá học sinh quá nặng nề, gắt gao theo kiểu “ứng thí”. Việc này đã làm lệch lạc việc học tập, thi cử và tác động lớn đến tâm lý của các em.
Cha mẹ, thầy cô giáo hãy luôn “làm bạn” cùng con
Để xảy ra việc học sinh, sinh viên tự tử, PGS.TS Hồng Thuận cho rằng, cha mẹ, nhà trường đã chưa thực sự đồng hành, tạo cơ hội để học sinh có thể chia sẻ được những lúng túng, thậm chí là những bế tắc của học sinh khi giải quyết những khó khăn trong học tập, tình cảm hoặc quan hệ bạn bè; giúp các em đưa ra phương pháp học tập hiệu quả hay có cách thức, kỹ năng tự giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, quan hệ với bạn bè của các em.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận cũng khuyến cáo, nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh cần giúp học sinh tự đưa ra những định hướng, tự đặt mục tiêu học tập cho mình dựa trên năng lực, sở thích, nguyện vọng của chính các em. Việc định hướng này giúp các em có động cơ học tập tích cực, chứ không phải là chỉ đối phó với các kỳ thi cử.
Để nhận biết kịp thời khi học sinh, con em có những tâm lý xáo trộn, bất thường, các thầy cô giáo, cha mẹ cần đồng hành cùng con, gần gũi, để trẻ sẵn sàng chia sẻ với mình những khúc mắc, khó khăn trong học tập hay quan hệ với bạn bè.
Bên cạnh đó, giáo viên và phụ huynh nên bày tỏ sự đồng cảm, cởi mở thì các em mới có thể bày tỏ suy nghĩ, lo lắng của mình.
Vì trong thực tế, rất nhiều em đã cho rằng không thể tìm được sự đồng cảm của cha mẹ, thầy cô nên các em đã tìm đến bạn bè để giãi bày. Thậm chí có em chẳng biết chia sẻ cùng ai và tự tìm đến những cách xử lý, giải tỏa sự bế tắc bằng hành động tiêu cực, hay tự hủy.
Nếu biết phát hiện sớm những khó khăn của con em trong học tập, quan hệ bạn bè và có sự chia sẻ, động viên hỗ trợ kịp thời thì nhà trường, các bậc phụ huynh sẽ ngăn chặn được tình trạng tự tử trong học sinh, sinh viên./.
Nam sinh trường Nguyễn Khuyến tự tử: Thầy hiệu trưởng lên tiếng
Nam sinh trường Nguyễn Khuyến viết thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử