Năm học mới này, điều phấn khởi là ở tất cả các huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau đều được đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới; trong đó, mỗi huyện có ít nhất từ 2 trường THPT trở lên. Tổng số học sinh năm học này khoảng 200.000 em cho cả 3 cấp học.
Với địa bàn sông nước chằng chịt, điều kiện đi lại rất khó khăn nên công tác hỗ trợ tiền đò cho học sinh nghèo của tỉnh đến trường trong năm học này tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện. Đây cũng là năm học thứ 2, Cà Mau thực hiện chính sách này nhằm hạn chế các em học sinh nghèo bỏ học. Năm đầu tiên thực hiện, Cà Mau đã vận động được hơn 500 em học sinh nghèo đã bỏ học năm trước trở lại trường.
Theo ước tính năm học này, tỉnh Cà Mau có khoảng 10.000 học sinh được hưởng chính sách này. Để thực hiện, Cà Mau cần khoảng 20 tỷ đồng để hỗ trợ tiền đò cho các em. Hiện các địa phương đang thống kê lại những đối tượng học sinh đi học bằng phương tiện đò để lập danh sách hỗ trợ.
Thầy Nguyễn Trung Thượng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ vận động các Mạnh Thường Quân đóng góp để mua xe đạp cho các em nghèo, nơi có đường giao thông hoàn chỉnh đi qua. Đồng thời, chúng tôi sẽ thống kê lại những em có nhu cầu đi học bằng phương tiện đò để lập danh sách hỗ trợ”.
Cũng trong năm học mới này, nhiều đơn vị, đoàn thể tại Cà Mau đã thể hiện tình cảm chăm lo cho các học sinh nghèo bằng cách vận động các nhà hảo tâm, hoặc trích một phần lương của mình để mua sách vở, dụng cụ phục vụ cho việc học tập của các em.
Những ngày qua, Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền của, sách vở và đồ dùng học tập tặng các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa vùng, đồng bào dân tộc Khmer đến trường. Một trong những đơn vị đi đầu trong hỗ trợ các em đó là Hội Sống yêu thương ở TP. HCM tài trợ tiền và đồ dùng học tập với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng để tặng các em nghèo. Với số tiền này, Hội đã kết hợp với UBMTTQ tỉnh đi thăm và tặng quà cho các em ở 2 huyện U Minh và Đầm Dơi. Riêng Hội khuyến học và UBMTTQ tỉnh Cà Mau đang tiếp tục phối hợp với các nhà hảo tâm đến thăm và tặng nhiều phần quà cho các em học sinh nghèo, nhằm tạo điều kiện để các em học sinh nghèo đến trường.
Khác với Cà Mau, đến hẹn lại lên, các địa phương hàng năm có lũ về lại tất bật chuẩn bị cho một năm học mới với những cố gắng tích cực. Tại Long An, các trường tại huyện Tân Hưng đã cho học sinh tựu trường từ ngày 11/8, 18/8. Đây là một huyện đầu nguồn vùng lũ cho nên năm nào cũng cho học sinh nghỉ lũ; năm nay cho học sớm để các trường có thời gian, kế hoạch tránh lũ được thuận lợi hơn.
Còn ở An Giang, ngành giáo dục đã cho học sinh đến trường từ ngày 4/8. Đây là một trong những tỉnh đón đợt lũ về sớm nhất ở ĐBSCL, do vậy, việc cho học sinh học sớm nhằm giúp các trường vùng sâu tránh lũ. Bên cạnh đó, chuẩn bị năm học mới này, trong những tháng hè vừa qua, ngành Giáo dục - Đào tạo An Giang đã chỉnh trang, sửa chữa 1.200 phòng học, phòng bộ môn, hơn 200 nhà vệ sinh và gần 8.000 bộ bàn ghế của giáo viên, học sinh, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 64 phòng học, 30 phòng bộ môn, trên 1.500 bộ bàn ghế của giáo viên, học sinh các trường trung học phổ thông, với kinh phí 57 tỷ đồng.
Trong năm học mới này, từ nguồn kinh phí gần 7 tỷ đồng thuộc các dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dự án bạn hữu trẻ em, đã có thêm 150 phòng học, 11 nhà vệ sinh được sửa chữa. Với sự chuẩn bị cho năm học mới, đến nay ngành Giáo dục-Đào tạo An Giang đã cơ bản hoàn tất việc sửa chữa, nâng cấp và bổ sung cơ sở vật chất, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lớp học ca 3, hạn chế tình trạng ngập nước ở các điểm trường vùng đầu nguồn lũ và nơi thường xảy ra sạt lở.
Bên cạnh việc chuẩn bị cho một năm học mới và tập trung đối phó với lũ, việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng là mục tiêu mà ngành giáo dục các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL hướng tới.
Chủ đề năm học mới 2010-2011 của tỉnh Đồng Tháp là "Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục". Theo đó, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục thực hiện ba cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động "Hai không" với 4 nội dung: "Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp" và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Là năm học thứ ba ngành triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm cụ thể hóa phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”.Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung cho công tác quy hoạch cơ sở trường lớp nhằm hướng tới sự ổn định lâu dài để gắn với việc nâng cao đổi mới chất lượng giáo dục được thực hiện đồng bộ.
Đến thời điểm này, mọi công đoạn chỉnh trang trường học, xây dựng các điểm trường vượt lũ ở khu vực ĐBSCL chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn thành. Hiện các địa phương đang tập trung mọi cố gắng vận động học sinh vùng lũ đến lớp, đảm bảo đúng sĩ số học sinh trong thời điểm tựu trường (5/9) theo quy định.
Với tất cả nỗ lực của các cấp, các ngành các tỉnh, thành ĐBSCL, tin rằng năm học mới này sẽ diễn ra tốt đẹp, tiếp tục đưa sự nghiệp trồng người của toàn vùng không ngừng phát triển và đạt hiệu quả cao./.