Theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đã được thông qua thì  năm học 2019-2020 sẽ thay đổi chương trình SGK lớp 1; năm học 2020 - 2021 thay đổi chương trình lớp 2, lớp 6; năm học 2021 - 2022 lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm học 2022 – 2023 thay đổi chương trình SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2023-2024 là thay đổi chương trình SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người vẫn hoài nghi về tiến độ biên soạn SGK mới có đảm bảo chất lượng khi chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành và trong khi sắp tới thực hiện 1 chương trình, nhiều bộ SGK.

sach_gk_dhcu.jpg
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (ảnh minh họa)

Nhiều bộ SGK: Khó nhưng không thể không làm

Trước những hoài nghi trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, dự kiến trong tháng 9 hoặc tháng 10/2018 sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, các nhà xuất bản dựa vào chương trình này để biên soạn SGK.

Đến thời điểm hiện tại, việc xin ý kiến chuyên gia, xin ý kiến nhân dân có thể coi là đã hoàn thành; có 20/25 hội đồng thẩm định các môn học thông qua. Việc tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật, sau đó chuyển sang bộ phận pháp chế của Bộ GD-ĐT xem xét.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, từ ngày 19/1/2018, khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo các môn học trên Cổng thông tin của Bộ, các nhà xuất bản đã bắt đầu viết sách. Khi Bộ trưởng ký ban hành chương trình chính thức, người viết sẽ đối chiếu và sửa theo chương trình chuẩn. Họ phải vừa làm vừa chỉnh sửa, chứ không thể chờ chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành làm được. Lớp 1 chỉ có 6 môn nhưng có chắc hoàn thiện vào năm 2019 hay không phải phụ thuộc quyết định của Bộ GD-ĐT.

Về việc thời gian gần đây, có nhiều ý kiến trái ngược về một chương trình nhiều bộ SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết ngạc nhiên vì Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành mà vẫn còn ý kiến phân vân. Về thẩm quyền, Quốc hội hoàn toàn có thể sửa Nghị quyết 88 (cho phép một chương trình nhiều bộ SGK) nhưng quy trình để ban hành một Nghị quyết mới sẽ rất lâu. Mọi người trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Theo GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, Việt Nam đổi mới mà vẫn giữ một chương trình một bộ SGK là không ổn. Nghị quyết 88 ra đời tạo điều kiện để huy động trí tuệ của xã hội trong việc biên soạn SGK. Các nhóm tác giả, nhà xuất bản cạnh tranh về chất lượng để người học được lợi.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, ở Mỹ, giáo viên có quyền được viết SGK. Ở Việt Nam, cấp trên sợ dưới làm không đúng, dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cầm tay chỉ việc, hạn chế sáng tạo. Tất nhiên, một chương trình nhiều SGK cũng có sự phức tạp, khó khăn nhất định nhưng không phải vì thế mà không làm.

Quy trình quản lý, kiểm tra đánh giá có thể phải thay đổi

Trước việc thực hiện 1 chương trình, nhiều bộ SGK, các trường học sẽ phải chủ động trong việc đề xuất lựa chọn loại sách của nhà xuất bản nào để giảng dạy. Tuy nhiên, cách lựa chọn như thế  nào để khách quan, tránh tiêu cực, đúng với lựa chọn của giáo viên, học sinh lại là điều không dễ dàng.

Bà Lê Thị Mai Hương, Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm Hà Nội nêu quan điểm, việc cho phép xây dựng 1 chương trình, nhiều bộ SGK là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu hướng chung của nền giáo dục thế giới. Nó cho phép nhà trường, giáo viên có quyền chủ động hơn trong việc lựa chọn dạy gì, dạy như thế nào để đạt được các chuẩn đầu ra của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, việc cho phép xây dựng 1 chương trình, nhiều bộ SGK còn  trao quyền nhiều hơn, tạo điều kiện cho nhà trường, giáo viên được sáng tạo và được tạo động lực để tìm tòi những cách làm phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Bà Lê Thị Mai Hương

Theo bà Mai Hương, việc lựa chọn bộ SGK nào hoặc thậm chí từng môn học sử dụng bộ SGK nào có thể do hội đồng trường cùng với đại diện hội cha mẹ học sinh quyết định. Với điều kiện các nhà trường phải có tầm nhìn, sứ mạng, phải chỉ rõ cho phụ huynh thấy mục tiêu giáo dục của nhà trường muốn học sinh ra trường có những năng lực phẩm chất gì, phù hợp như thế nào với địa phương và đáp ứng nhu cầu gì của xã hội.

Các cơ quan quản lý ngành dọc cần nghiên cứu cách quản lý trên cơ sở kiểm soát đầu ra, kiểm soát quy trình thực hiện,  hỗ trợ điều kiện thực hiện hơn là quy định đồng bộ các trường trong địa phương do mình quản lý phải cùng chọn một bộ sách giống nhau.

Việc cho phép xuất bản nhiều bộ sách khác nhau sẽ không khiến cho giáo viên khó khăn khi tiếp cận nếu như các bộ sách được thẩm định định kỳ càng để đảm bảo các chuẩn mực về nội dung, phương pháp; các chuẩn đầu ra được công bố rõ ràng chi tiết và nếu giáo viên được cung cấp đầy đủ các phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức dạy học phù hợp.

Cái khó ở đây là thay đổi nhận thức của giáo viên khi họ chưa quen được trao quyền trong việc lựa chọn tài liệu giảng dạy để đạt được các chuẩn đầu ra. Bởi vì giáo viên đã quen với “đồng phục” trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình, dù đối tượng của họ rất khác nhau, ở những vùng miền khác nhau. Bản thân hệ thống quản lý giáo dục địa phương cũng sẽ thấy hẫng hụt và không yên tâm khi trao quyền nhiều cho các nhà trường mà chưa biết kiểm soát thế nào. Vì thế, toàn bộ các quy trình quản lý, kiểm tra thanh tra đánh giá học sinh có thể phải thay đổi cho phù hợp./.