Sáng 8/9, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Hồ Ngọc Đại đã có buổi chia sẻ về sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục trong chuyên đề “Công nghệ giáo dục trong thời kỳ 4.0”. Buổi nói chuyện được thực hiện khi trong xã hội đang có những xôn xao, ý kiến khác nhau về hiệu quả của sách này.

Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại phân tích, đề cương cải cách giáo dục xưa nay đã được đưa ra gần 20 năm, từ những ngày chiến tranh gian khổ và bây giờ đã qua thời kỳ đó. Vì vậy, nếu đề cương này đúng với trước đây thì do hoàn cảnh đã thay đổi nên còn có những điều chưa phù hợp.

gs_dai_vov_yjpo.jpg
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chia sẻ về sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục 

GS phân tích, mỗi cuộc cách mạng ứng với mỗi thời kỳ. Từ thế kỷ 20 trở về trước, tất cả các thế hệ đều thay nhau, nối tiếp nhau theo kiểu ông có gì bố có nấy, bố có gì con có nấy, cứ thể noi gương nhau, học tập kinh nghiệm.

Tuy nhiên, từ thế kỷ 21, trẻ em có những thứ mà bố mẹ chúng không hề có và không hề hiểu được. Cuộc cách mạng giáo dục này tạo ra 1 cuộc cách mạng mới phải cả về vật chất lẫn tinh thần. Ví dụ cuộc cách mạng 1.0 sức mạnh là hơi nước, cuộc cách mạng 2.0 là hơi nổ, 3.0 là máy tính và đến cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng hiện nay là “máy nghĩ” (hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo).

“Điều mà tôi mong muốn là tạo nên nền giáo dục hiện đại phải là những thứ nền giáo dục chưa hề có. Nền giáo dục đầy ảo tưởng sẽ làm khổ rất nhiều người.

Tôi là người có ý thức về xây dựng một nền giáo dục và sứ mệnh của tôi là tạo ra nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử. Nền giáo dục mới là không bác bỏ quá khứ mà sẽ là tận dụng những thành quả tốt đẹp của nền giáo dục quá khứ và người học phải được hưởng những cái mới. Lý thuyết nào sinh ra cũng có công nghệ thực thi và tôi có công nghệ giáo dục. Đây là thiết kế rất khó nhưng ai cũng phải làm được cho nên trẻ con học tập theo phương pháp công nghệ giáo dục khác hẳn", GS Hồ Ngọc Đại nói.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại

Tác giả công nghệ giáo dục dẫn chứng: "Tiếng Việt của chúng ta có câu phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Trẻ em ngày xưa, khi 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói hay nhưng vẫn viết sai chính tả. Lớp 10 viết sai, đại học viết sai. Nhưng tôi dạy trẻ con học hết lớp 1 ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, miễn 6 tuổi chỉ cần học với tôi 1 năm sẽ đọc thông, viết thạo. Viết ra đọc được, đọc ra viết được mà không sai chính tả và không thể tái mù.

GS Hồ Ngọc Đại nói tiếp: "Giáo viên kể lại cho tôi câu chuyện rằng, ông bí thư xã nói con mình đang học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục. Gần Tết, cháu muốn xin nghỉ học, người cha nói, nếu con viết được đơn xin nghỉ, ông sẽ đồng ý. Sau đó, con viết được ngay một lá đơn, người cha mừng quá. Sau khoảng 4-5 tháng, học sinh có thể viết được những điều mình mong muốn”, GS Hồ Ngọc Đại Đại khẳng định.

Trước câu hỏi tồn tại của công nghệ giáo dục sẽ ra sao khi đã thử nghiệm hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được áp dụng chính thức. Mặt khác, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên chương trình phổ thông mới cho rằng, công nghệ giáo dục sẽ không có trong chương trình giáo dục phổ thông mới, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại mạnh mẽ khẳng định: “Công nghệ giáo dục đã làm được những điều diệu kỳ. Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn”.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, trong số tất cả công trình của mình, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do ông chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông. Đó là niềm an ủi vì đã thể hiện được tư tưởng triết học và tâm lý học.

“Trong tất cả những phát minh của nhân loại, tôi đánh giá cao nhất là xe đạp. Hàng triệu năm đi bộ, đến cuối thế kỷ 19 mới có xe đạp. Nó chấm dứt hàng triệu năm phụ thuộc vào cách đi cũ, để đổi bằng cách đi mới. Sau đó nó như 1 bàn đạp để thay đổi, xe máy, ô tô, máy bay được sinh ra ngay sau đó. Công nghệ giáo dục đã tồn tại 40 năm nay, có nhiều người nói về nó nhưng có thay đổi được đâu”, GS Hồ Ngọc Đại phân trần.

Xây dựng trường Thực nghiệm là việc làm có ý nghĩa cho đất nước

Tại cuộc tọa đàm, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho biết, ông là một giáo viên dạy Toán vào những năm 60. Thời điểm đó, GS Hồ Ngọc Đại nhận ra sự bất cập trong phương pháp dạy học và truyền đạt kiến thức cho học sinh phổ thông. Giáo dục đã có những thất bại nhất định, cần phải có sự thay đổi về cả phương pháp và nội dung trong giáo dục phổ thông.

Bộ sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục

Kể về kỷ niệm trong lần trò chuyện với nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng về cuộc cải cách giáo dục, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nhớ lại: “ Khi được Thủ tướng hỏi về cuộc cải cách giáo dục, tôi dự đoán nó sẽ thất bại.

Lý do thứ nhất là đề cương cải cách giáo dục thực hiện trong 20 năm chiến tranh, khi thực hiện đã qua thời kỳ đó rồi, nếu vẫn dùng nó thì sẽ thất bại. Thứ hai, cuộc cải cách phải ưu tiên cho những người đã bỏ ngang học tập để vào chiến trường chiến đấu vì Tổ quốc”.

Năm 1968, GS Hồ Ngọc Đại là một trong hai người được cử sang Liên Xô để học tập kiến thức cũng như tiếp thu các phương pháp học tập mới.

Sống và làm việc tại Nga trong thời gian đất nước còn khó khăn, GS Ngọc Đại luôn nỗ lực hết mình để làm tốt công việc được giao. Ông khẳng định: "Tôi là người có ý thức trách nhiệm với đất nước, cái đó chính là sức mạnh của tôi. Tôi luôn áy náy khi đất nước chiến tranh mà mình lại đi học ở Nga, chính vì thế tôi luôn cố gắng học tập và nghiên cứu nghiêm túc”.

Sau đó, GS Hồ Ngọc Đại có nhận được đề nghị của Thủ tướng ở nhiều cương vị quan trọng nhưng ông xin dạy lớp 1, với điều kiện cho ông mở trường Thực nghiệm để trực tiếp giảng dạy thay vì được mời làm lãnh đạo trong ngành giáo dục.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho rằng, việc xây dựng trường Thực nghiệm là việc làm có ý nghĩa và trách nhiệm nhất mà ông đã làm.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nói về cách phát âm trong sách Tiếng việt 1 công nghệ giáo dục:

Người lớn không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ con

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nhớ lại, những ngày đầu khi thành lập Trường tiểu học Thực nghiệm, câu hỏi ông đặt ra và tâm huyết nhất luôn là “Các con ông bà, anh, chị đi học về có vui không? Có hạnh phúc không?". Chỉ cần học trò thấy vui là ông thấy mình đạt được mục đích.

"Tôi luôn nói với các cô giáo của tôi và nhiều bậc phụ huynh là phải thua con mới dạy được con. Trẻ con làm gì cũng có lý của nó. Mình phải căn cứ vào lý của nó để có cách dạy hợp lý. Người lớn không nên lấy mình làm khuôn mẫu chuẩn, áp đặt cho trẻ con. Tôi muốn đất nước này có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình", GS.TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.

 

Năm 1979, sách Công nghệ Giáo dục được đưa vào giảng dạy ở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục (do chính GS.TSKH Hồ Ngọc Đại sáng lập).

Năm 1986, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Năm 2000, sách bị dừng thực nghiệm do Luật Giáo dục quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. 

Năm 2006, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục đã được Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho phép đưa trở lại thực nghiệm ở một số trường tiểu học sau một số năm dừng thực nghiệm thông qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số".

Năm 2017, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc này. Bộ trưởng GD-ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu và đề xuất giải pháp.

Sau khi có báo cáo đánh giá tích cực của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục. Qua hai vòng, hội đồng thẩm định đánh giá về cơ bản, tài liệu đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.