* Bài 1: Lạm thu ở trường học: Phụ huynh đành chịu “qua sông lụy đò”*Bài 2: Lạm thu ở trường học: Như hùn tiền đưa... "hối lộ”Hiện nay, ngân sách Nhà nước đầu tư cho sự phát triển giáo dục còn thấp. Mức sống của người dân Việt Nam chỉ ở hạng trung bình nên việc thu học phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học không đủ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tình trạng lạm thu ở trong trường học cũng là bắt nguồn từ những lý do trên. Một số trường ở khu vực Hà Nội vẫn còn thiếu diện tích để xây dựng phòng học, sân bãi, phòng thí nghiệm nên nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế sẵn sàng không tiếc tiền ủng hộ nhà trường. Đóng góp tự nguyện của những người có điều kiện kinh tế là việc làm hết sức bình thường, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thế nhưng, núp dưới hình thức này, nhiều trường công lập đã giao phó cho một số nhóm phụ huynh thuộc diện có kinh tế khá giả kêu gọi tất cả các phụ huynh khác đóng góp nhiều khoản thu quỹ trường, quỹ lớp bất hợp lý.

hoc-sinh.jpg
Hiện nay, Luật Giáo dục đưa ra quy định miễn học phí cho cấp Tiểu học

Có nên bỏ quy định miễn học phí bậc Tiểu học?

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Luật Giáo dục đưa ra quy định miễn học phí cho cấp Tiểu học. Đây là một chủ trương rất nhân văn nhưng lại xa thực tế. Bởi vì nếu các trường Tiểu học không thu học phí mà Nhà nước không có đủ khoản chi đầu tư cho các trường thì không khác gì thả nổi chất lượng giáo dục.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Quốc hội có thể nghiên cứu sửa đổi nội dung miễn học phí cho cấp Tiểu học trong Luật Giáo dục. Hiện nay, ngành giáo dục đang đứng trước tình thế “tiến thoãi lưỡng nan”, giữa một bên là những chủ trương tốt đẹp cho người dân và một bên là sự đòi hỏi của phát triển giáo dục nhưng không có đủ ngân sách để đầu tư cho các trường. Vì vậy, sửa đổi Luật Giáo dục là cần thiết nhằm huy động sự đóng góp của người dân cho phát triển giáo dục.

Trên thực tế, nếu không thu học phí thì ngân sách địa phương đầu tư cho việc nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy khó có thể đáp ứng đủ cho các trường công lập.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Quốc hội có thể nghiên cứu sửa đổi nội dung miễn học phí cho cấp Tiểu học trong Luật Giáo dục (Ảnh: Thành Long)

GS Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến: Việc nghiên cứu các khoản thu học phí cấp Tiểu học sẽ do địa phương quy định theo điều kiện kinh tế của từng nơi, thông qua khảo sát mức sống của người dân. Các khoản thu học phí cấp Tiểu học có thể áp dụng chia theo khu vực trường chất lượng cao và trường bình thường. Số gia đình có thu nhập cao có thể cho con theo học ở những trường có cơ sở vật chất tốt hơn với mức thu học phí cao. Còn phần đông gia đình có mức sống trung bình thì sẽ học ở những trường bình thường với các khoản thu do Nhà nước quy định. Học sinh thay vì ngồi học trong phòng điều hòa thì có thể ngồi học trong phòng chỉ có quạt trần.

Ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên dành đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở những vùng, miền khó khăn. Học sinh ở những nơi này và con em các gia đình thuộc diện chính sách được miễn hoặc giảm học phí theo quy định chung.

Tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT lại cho rằng, miễn học phí cấp Tiểu học được quy định rõ trong Luật Giáo dục là chủ trương nhân văn nhằm hỗ trợ cho đa phần con em người dân được đến trường từ những những cấp học thấp. Trên thực tế, hiện nay còn có ý kiến miễn học phí cả cấp THCS với mục đích là hoàn thành tốt phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nếu bỏ quy định miễn học phí cấp Tiểu học sẽ chỉ có phụ huynh với điều kiện kinh tế khá giả là đồng ý còn đa phần ý kiến sẽ không chấp nhận. Thêm nữa, nếu bỏ quy định này sẽ không có công bằng trong xã hội.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục có thể phải tăng lên

Quy định miễn học phí cấp Tiểu học thực chất là giải quyết được 3 vấn đề: Quy mô học sinh được đến trường đầy đủ, chất lượng giáo dục được nâng lên và công bằng trong xã hội. Không chỉ miễn học phí cấp Tiểu học mà học phí THCS có thể cũng được miễn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì phải giải quyết bằng sự điều phối lại ngân sách Nhà nước. Theo đó, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục có thể phải tăng lên và nên tập trung đầu tư ở những vùng đồng bào dân tộc có điều kiện kinh tế khó khăn.

Cần cơ chế giám sát và sử dụng các khoản thu, chi một cách rõ ràng

Lạm thu trong trường học hay những khoản thu vô lý là vấn đề “nóng” mỗi khi năm học mới đến. Việc lạm thu ở một số trường học công lập là do đa phần phụ huynh phải chạy theo đề xuất của một số nhóm phụ huynh có điều kiện về kinh tế.

Để khắc phục tình trạng này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra 2 phương án. Thứ nhất là nên bỏ Ban đại diện cha mẹ HS vì thực tế, đây chỉ là bộ phận nối dài cánh tay giữa một nhóm lợi ích của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học trong việc đưa ra các khoản thu vô lý. Thứ hai, nếu Bộ GD-ĐT vẫn để Ban đại diện cha mẹ HS tồn tại thì phải có cơ chế kiểm soát hoạt động của họ.  

Ngoài việc phải kiểm soát hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu xét thấy các trường phải thu thêm tiền đầu tư xây dựng trường, lớp thì Hội đồng nhân dân tỉnh, thành cần quy định rõ ràng, cụ thể, chỉ thu 1 lần và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Kèm theo đó, cần có quy định cụ thể trong việc xử phạt tổ chức, cá nhân tự ý đặt ra các khoản thu hoặc ấn định mức thu ngoài học phí không đúng quy định.

GS.TS Đinh Quang Báo: Các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm về các khoản thu

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm nêu ý kiến: Các cơ sở giáo dục địa phương phải mạnh tay trong việc quản lý những khoản thu sai và giao trách nhiệm đó cho những người đứng đầu cơ sở trường và lớp học.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng thẳng thắn đưa ra quan điểm: UBND các tỉnh, thành cần phải có quy định rõ trong việc bảo vệ phụ huynh HS khi họ dám nói lên sự thật về những khoản thu, chi của trường, lớp học của con mình. Song song với đó là cần có quy định rõ ràng đối với từng trường trong việc công khai minh bạch các khoản thu chi để người dân nói lên quan điểm của mình.

Gia đình nào cũng có con học. Mỗi khi năm học mới đến, nhiều phụ huynh phải nghĩ tới những khoản tiền để lo cho con đến trường.

Để khắc phục lạm thu, có nên thu thêm học phí và khoản thu ngoài học phí để nâng cao chất lượng giáo dục hay không? Nếu thu thì phải có cơ chế quản lý, giám sát sử dụng như thế nào sao cho có hiệu quả?

Phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện và đứng lên tố cáo những sai phạm tại trường, lớp học. Cơ chế nào để họ có thể tự tin nói lên sự thật và đưa ra quan điểm của mình? Đây là những câu hỏi lớn và là bài toán khó đối với ngành giáo dục và phụ huynh học sinh. Báo Điện tử VOV rất mong nhận được ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và đông đảo phụ huynh vấn đề này./.