Dự kiến, trong tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016 và công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia. Cũng trong tuần tới, dự kiến, Bộ cũng sẽ công bố lịch đăng ký dự thi.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, về cơ bản, đề thi được giữ ổn định như năm 2015. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12.
Đề thi gồm những câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh với mục đích phục vụ cho việc tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, đề thi sẽ có những câu hỏi ở mức độ khó dần để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi |
Đề thi năm 2016 sẽ gồm những câu hỏi yêu cầu tăng cường sự sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống của thí sinh; giảm tỷ lệ câu hỏi yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ một cách máy móc, học thuộc lòng.
Thí sinh có thể tham khảo đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT đã công bố trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 để có cách thức ôn tập thi cho tốt.
Trước đó, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia 2016 với một số thay đổi đáng chú ý so với dự thảo trước đó.
Bỏ làm tròn đến 0,25 điểm với bài trắc nghiệm
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là thay đổi về làm tròn điểm bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm). Điều này có nghĩa có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy năm nay nếu thí sinh được 4,99 cũng không được cộng tròn thành 5, chỉ trường hợp là 4,995 trở lên thì mới được cộng tròn điểm.
Thí sinh bị đình chỉ 1 môn sẽ không được thi các môn còn lại
Về quy định xử lý trừ điểm bài thi với thí sinh vi phạm quy chế thi, thông tư chính thức cũng điều chỉnh so với dự thảo và quy chế 2015. Cụ thể, ngoài việc giữ quy định “thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó”, quy chế năm nay còn quy định rõ hơn: “Không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo; không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ”.
Bộ Giáo dục lại sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT Quốc gia
Siết chặt quy định về chấm phúc khảo
So với dự thảo, thông tư sửa đổi chính thức đã bổ sung một số nội dung nhằm quy định chặt chẽ hơn về kết quả chấm phúc khảo. Cụ thể, nếu kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận của 2 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho 2 cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận.
Nếu kết quả chấm của 2 cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho trưởng ban phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ 3 chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác. Nếu kết quả chấm của 2 trong 3 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.
Nếu kết quả chấm của cả 3 cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận.
Quy chế mới cũng bổ sung quy định: Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.
Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định. Điểm chính thức của bài thi sau phúc khảo được trưởng ban phúc khảo trình chủ tịch hội đồng thi ký duyệt./.