Nằm trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2009, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung đang được ban soạn thảo lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các nhà khoa học, quản lý giáo dục.

Sau khi giám sát, khảo sát việc thi hành Luật Giáo dục tại một số địa phương, cơ sở giáo dục, Uỷ ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nhằm xác định những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Mặc dù mới được sửa đổi năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2006, nhưng Luật Giáo dục đã bộc lộ một số bất cấp cần sửa đổi bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và phù hợp hơn với thực tiễn. Các nhóm vấn đề được đưa ra để các đại biểu thảo luận góp là: phổ cập giáo dục; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo  khoa; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ; thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ; việc thành lập nhà trường và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học;bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục…

Đa số ý kiến thống nhất cao với việc cần thiết sửa đổi Luật Giáo dục. Song cũng có ý kiến cho rằng thực tế cho thấy một số hạn chế bất cập của ngành giáo dục trong thời gian qua không phải do luật thiếu tính khả thi, mà do thiếu văn bản hướng dẫn kịp thời để thi hành cùng với việc tổ chức thực hiện luật chưa tốt.

Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo: Việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội, phải là cơ sở pháp lý để lấy lại niềm tin của nhân dân vào nhà trường, vào nền giáo dục của chúng ta, đồng thời mở đầu cho sự ổn định giáo dục, chấm dứt bao nhiêu rối ren gây lo lắng, buồn phiền trong nhân dân.

Điều 7 quy định về ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ có vai trò quan trọng đối với văn hoá, giáo dục, vì vậy cần sửa đổi, bổ sung điều này sao cho nhà trường cả công lập, tư thục hay trường nước ngoài phải thực hiện nghiêm túc. Bởi vì hiện nay việc dạy tiếng nước ngoài trong các trường rất lộn xộn, thậm chí dường như đang bị thả nổi, các trường tự tiện dạy song ngữ, tự tiện chọn tiếng Anh là tiếng nước ngoài thứ nhất, dạy ngoại ngữ ở mẫu giáo, nơi thì dạy tiếng Anh từ lớp 1, nơi thì dạy từ lớp 3.

Giáo sư Phạm Minh Hạc cho rằng, vấn đề quản lý các trường nước ngoài và trường có yếu tố nước ngoài cần quy định chặt chẽ hơn: “Rất nhiều chỗ người ta có thể lợi dụng. Bộ Kế hoạch-Đầu tư và dưới là Sở Kế hoạch-Đầu tư cho các trường đó vào như là một dự án đầu tư, sau đó chẳng ai quản lý. Cho nên tôi đề nghị giao việc này cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, không để tình trạng không có ai quản lý”.

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi trong thời gian qua là việc xây dựng chương trình sách giáo khoa còn nhiều hạn chế bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong xã hội; việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa còn mang tính độc quyền; chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ về chương trình, tiêu chí sách giáo khoa, quy trình biên soạn, thẩm định và duyệt sách giáo khoa, chế tài xử lý trách nhiệm đối với người để xảy ra sai sót trong chương trình sách giáo khoa. Vì vậy cần có phương án tốt nhất để giải quyết những bức xúc vừa nêu.

Khi thảo luận về vấn đề phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, các ý kiến cho rằng việc đầu tư cho giáo dục mầm non thời gian qua còn chưa tương xứng với vị trí là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân để đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ em trong độ tuổi bước vào bậc học khác. Hiện nay trẻ em trong độ tuổi được đến trường mầm non còn thấp, ảnh hưởng đến việc hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và sự phát triển của trẻ về thể chất, tình cảm, trí tuệ để chuẩn bị bước vào lớp 1. Vì vậy đề nghị bổ sung vào luật quy định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến việc làm sao để thu hút, khuyến khích cán bộ gắn bó với ngành Giáo dục. Theo Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thì hiện tượng bỏ nhà trường ra ngoài làm là thực trạng rất đáng buồn của ngành giáo dục. Mà một trong những nguyên nhân cơ bản là thu nhập thấp, không có chế độ ưu đãi tương xứng đối với nghề giáo. “Ở các nhà trường không chỉ khó khăn trong việc sàng lọc, mà cả vấn đề thu hút và giữ được các giáo viên, đặc biệt là cán bộ trẻ. Không thể nói đến chuyện cải cách giáo dục đại học mà không có nguồn nhân lực”.

Luật Giáo dục là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quốc sách về giáo dục và đào tạo. Vì vậy những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý giáo dục có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi, bổ sung để cho ra đời một đạo luật thể hiện quốc sách quan trọng của đất nước về giáo dục và đào tạo./.