Thực trạng này đang tồn tại ở ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng. Phải chăng, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã nặng về thành tích, nhẹ về chất lượng trong công tác đào tạo thế hệ trẻ?

Một trong những trường hợp này là em Lâm Sơn Vũ, khóm 5, phường 8, thành phố Sóc Trăng. Chị Tô Thị Quỳnh Giao, phụ huynh em Vũ cho biết trước đây, Vũ là học sinh Trường Tiểu học Lý Đạo Thành, phường 8, TP. Sóc Trăng. Năm học 2016 – 2017, em được tuyển vào lớp 6, Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa.

Tuy nhiên, khi vào học chính thức được vài ngày, gia đình nhận được thông báo từ nhà trường, em học rất yếu. Không đọc và viết chữ thành thạo nên em không thể theo học lớp 6.

Thầy nói là em học yếu quá, cho qua trường cũ học lại. Em cũng không biết phải làm sao. Thầy chủ nhiệm nói con của em yếu quá rồi, cho xuống học lại lớp 1. Lúc đó, em không biết gì luôn. Em chỉ biết nước mắt rơi xuống" – chị Giao nói.

Thực tế, khi được yêu cầu viết tên mẹ mình, Vũ cũng không viết được, mặc dù đã được đánh vần cho từng chữ.

soc_trang_lsbi.jpg
Học lớp 3, nhưng nhiều học sinh ở Trường tiểu học Lê Hồng Phong (P3, TP Sóc Trăng) lại không đọc được chữ

Chị Tô Thị Quỳnh Giao cho biết, thời gian Vũ học lớp 4 và 5, Trường Tiểu học Lý Đạo Thành, gia đình phát hiện em học rất yếu nên yêu cầu nhà trường cho em ở lại lớp học thêm một năm. Tuy nhiên, trường Lý Đạo Thành không chấp thuận, vì cho rằng, Vũ đã đủ số điểm để lên lớp; đồng thời, hứa sẽ tăng cường học phụ đạo cho em. 

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận về trường hợp của em Lâm Sơn Vũ là có thật. Cô Hạnh cho biết, nhà trường khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử 1 giáo viên kèm riêng cho em, bắt đầu từ chương trình lớp 1. Tuy nhiên, Vũ vào học được vài ngày rồi nghỉ học. Nhà trường đang liên hệ để vận động em tiếp tục đến trường. Theo cô Hạnh, hàng năm, để xét lên lớp, nhà trường đã tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp lại không biết đọc như trường hợp của em Vũ, lỗi một phần do nhà trường, quá tin tưởng vào giáo viên.

Không riêng trường tiểu học Lý Đạo Thành, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thuộc phường 3, TP Sóc Trăng cũng có đến 8 em đã vào lớp 3 nhưng chưa biết đọc, biết viết. Điều đáng nói, đây lại là một trong những điểm trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.

Cô Khương Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết, số em này là học sinh lưu ban của lớp 3 năm học vừa rồi. Sau khi nhà trường kiểm tra, phát hiện các em chưa thể đọc và viết được chữ, trường quyết định cho các em ở lại một năm để bồi dưỡng. Cô Khương Thị Thoa thừa nhận, sự thiếu sót trong quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Giải pháp khắc phục được nhà trường đưa ra là tăng cường thời gian phụ đạo, bồi dưỡng để các em có thể theo kịp các bạn trong lớp.

Bà Dương Thị Ngọc Diễm, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP Sóc Trăng cho biết, do đặc thù địa phương có đông con em đồng bào dân tộc, nên khả năng tiếp thu của các em còn hạn chế. Một phần nữa là do năng lực của giáo viên còn hạn chế. Phòng Giáo dục thành phố này đã chỉ đạo các trường có biện pháp khắc phục, kèm cặp cho các em; đồng thời, củng cố lại nguồn lực giáo viên.

Bà Dương Thị Ngọc Diễm nói: "Hiện nay, Phòng đã chỉ đạo Ban Giám hiệu nhà trường phải xác định, đánh giá theo Thông tư 30, đích thực và chuẩn thực sự, không chạy theo thành tích. Vừa qua, phía ngành cũng có nghe chia sẻ từ một vài giáo viên cho rằng, một bộ phận nhỏ giáo viên của trường này, dường như phần đánh giá cũng chưa sát sao, dẫn đến tình trạng học sinh đọc chưa được rành mà vẫn cho lên lớp. Chúng tôi đã có làm việc với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đề nghị kiểm tra, rà soát lại kỹ để báo cáo Phòng".

Thực trạng học sinh không biết chữ nhưng vẫn được "đẩy" lên lớp làm dư luận lo ngại về chất lượng giáo dục ở tỉnh này. Phải chăng, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng chỉ lo bề nổi, chạy theo thành tích, chỉ tiêu mà xem nhẹ chất lượng giảng dạy?./.