Từ ngày 4/5, học sinh THCS và THPT tại nhiều tỉnh thành trên cả nước trong đó có Hà Nội, TPHCM đã đi học lại sau thời gian dài nghỉ phòng Covid-19.

Sau 2 ngày học sinh trở lại trường, đã có nhiều phản ánh và hình ảnh học sinh đi học đội mũ chắn giọt bắn và đeo khẩu trang. Có ý kiến cho rằng, mũ chống giọt bắn là không cần thiết, đồng thời gây khó chịu, nóng bức… cho học sinh trong điều kiện thời tiết oi nóng 2 ngày qua.

1_68.jpg
Học sinh đeo mũ chắn giọt bắn khi trở lại trường học - Ảnh: Vietnamnet

Tại Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc cho học sinh đeo mũ chắn giọt bắn khi trở lại trường là sáng tạo phòng dịch của các địa phương. 

Theo báo cáo, việc đưa học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19 được tiến hành theo 3 đợt. Đợt 1 - ngày 20/4/2020, có 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại. Đợt 2 - từ ngày 27/4, có 30 tỉnh, thành phố và Đợt 3 - ngày 4/5, 25 tỉnh, thành còn lại cho học sinh đi học. Chủ yếu là học sinh THPT và THCS, đặc biệt lớp 9 và 12 là những đối tượng quan trọng.

“Tỷ lệ học sinh đi học trở lại rất cao. Trong đó, học sinh THPT là 99% và THCS là 97%. Tỷ lệ học sinh tới rất tốt. Quan điểm của Bộ BD-ĐT rất rõ ràng: Đã đi học phải an toàn. Và vấn đề an toàn phải căn cứ vào các cơ quan chuyên môn. Trong đó, Bộ Y tế đã có văn bản ngày 21/4 hướng dẫn phương pháp an toàn và dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đã có văn bản phối hợp xây dựng 15 tiêu chí Nhà trường an toàn, với 4 tiêu chí cứng là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, trang bị nước rửa tay, khử khuẩn nhà trường… Các tiêu chí này không bao gồm việc đeo mũ chắn giọt bắn”, ông Độ nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, Bộ Y tế không hướng dẫn việc đeo mũ chắn giọt bắn. Ông Độ đồng thời khẳng định việc thực hiện các khuyến cáo chuyên môn của Bộ Y tế: “Nếu Bộ Y tế khuyến cáo đeo mũ chắn giọt bắn thì các trường học nên làm. Còn nếu chưa có, các địa phương có thể cân nhắc đưa ra các biện pháp phù hợp với thực tiễn”./.