Tình trạng học sinh bị cận thị, cong vẹo cột sống ở các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng, tập trung ở các trường nội thành. Nguyên nhân do học sinh ngồi sai tư thế, bàn ghế không đúng quy chuẩn. Cùng với đó, việc tiếp xúc màn hình máy tính, xem ti vi... quá nhiều trong điều kiện không đủ ánh sáng khiến cho mắt làm việc trong thời gian dài, dẫn đến cận thị.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, có 700.000 học sinh từ mầm non đến THPT bị tật ở mắt, và tăng dần theo bậc học. Cụ thể, ở bậc tiểu học là 12%, THCS 20%, THPT lên tới 40%. Số học sinh bị cận thị xảy ra nhiều ở các trường nội thành.
hoc_sinh_aldi.jpg
Nguyên nhân dẫn đến cận thị và cong vẹo cột sống của học sinh chủ yếu là do ngồi sai tư thế. (ảnh: KT)

Khảo sát một số trường nội thành Hà Nội, lớp nào cũng có học sinh bị cận thị, thậm chí có lớp tổng số 48 học sinh có tới 40 em bị cận.

Nguyễn Diễm Quỳnh, học sinh lớp 7 trường THCS Lĩnh Nam và Vũ Thị Hà Phương, học lớp 10 Trường THPT Việt Đức cho biết: “Lớp em có rất nhiều bạn bị cận thị (30/45 học sinh bị cận). Ngoài giờ học, các bạn cũng chơi chò chơi điện thoại và lướt facebook”.

Cùng với tỷ lệ cận thị học sinh gia tăng, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dân số và phát triển (Tổng cục dân số) tại 4 quận, huyện gồm Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Gia Lâm, tỷ lệ học sinh ở Hà Nội mắc cong vẹo cột sống gần 19% ở cả 3 cấp học.

Nguyên nhân dẫn đến cận thị và cong vẹo cột sống của học sinh chủ yếu là do ngồi sai tư thế và bàn ghế không phù hợp với tầm vóc học sinh. Tiêu chuẩn bàn ghế chưa quy định cho từng nhóm tuổi học sinh. Học sinh quá đông, nhất là ở cấp tiểu học có lớp lên tới 60 em/lớp, thậm chí một số lớp, phòng hẹp phải xếp 3 học sinh chung một bàn nên giáo viên không thể uốn nắn được tư thế ngồi cho từng em. Phần lớn các trường tiểu học vẫn đang cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sử dụng chung một loại bàn ghế.

Ở trường đã vậy, còn ở nhà nhiều phụ huynh chưa quan tâm nhắc nhở đến tư thế ngồi học của con. Ở thành thị, bố mẹ bận bịu, trẻ lại thiếu sân chơi nên học xong các em lại vùi đầu vào các trò chơi điện tử, xem ti vi... Nhiều phụ huynh còn dỗ con ăn bằng cách bật cho trẻ xem quảng cáo, phim hoạt hình qua điện thoại, Ipad với khoảng cách nhìn rất gần khiến mắt trẻ dễ bị tật khúc xạ.

Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “Do điều kiện hiện nay, càng ngày chúng ta ít hoạt động hơn ở ngoài trời và chỉ tập trung cho những việc đọc sách, đọc vở, đọc trên những thiết bị điện tử sẽ gây ra cho việc mắt ít vận động sẽ có nguy cơ cao hơn và khi trẻ em bị cận thị đeo kính rồi lại không vận động thì lại tiếp tục tăng số lên”.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khiến nghị UBND thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp, phấn đấu năm học này có thêm 55 trường đạt chuẩn quốc gia, duy trì sĩ số lớp học không quá 40 học sinh/lớp. Các trường tăng cường tuyên truyền phụ huynh và học sinh thực hiện. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Ngành giáo dục Đào tạo có chương trình trang bị bảng chống lóa cho tất cả các phòng học trên địa bàn Thủ đô. Bàn ghế triển khai đồng loạt theo chuẩn của lứa tuổi và đặc biệt đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho chương trình chiếu sáng học đường. Việc chăm sóc sức khỏe cho các em ở trường nhiều nhưng vai trò của gia đình cha mẹ phải nhắc nhở con. Các gia đình phối hợp với ngành giáo dục cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh vấn đề cận học đường”.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ bị cận thị, cần sớm điều trị, tránh tác hại gây mệt mắt, thậm chí nhức mắt hoặc nhức đầu ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Cận thị còn có thể dẫn đến những bệnh lý như lé mắt, nhược thị, co quắp điều tiết...để lại di chứng cho thế hệ sau.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần sắp xếp thời gian học tập cho trẻ hợp lý, xen kẽ với những hoạt động vui chơi ngoài trời; hướng dẫn và nhắc nhở con đọc sách đúng khoảng cách, đúng tư thế, không xem ti vi và chơi điện tử trong thời gian quá lâu.../.