Sáng nay (12/10), hàng trăm học sinh, nhà giáo, đồng nghiệp, người thân và bạn bè gần xa đã đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng tiễn đưa Phó Giáo sư (PGS), nhà giáo Văn Như Cương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đến viếng thầy Văn Như Cương, PGS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã viết sổ tang với những lời trân trọng dành cho người thầy mẫu mực.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ viết sổ tang với những lời trân trọng dành cho PGS Văn Như Cương. |
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến viếng nhà giáo, ghi nhận sự đóng góp đồng thời bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với PGS Văn Như Cương.
Tại lễ viếng và truy điệu, có những nhà giáo từ tận Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cố gắng bắt kịp chuyến xe khách đi trong đêm để kịp tới tiễn đưa nhà giáo Văn Như Cương.
Một số nhà giáo là bạn thân với PGS Văn Như Cương dù tuổi cao, sức yếu cũng cố gắng đến nhìn mặt người bạn lần cuối.
Viếng thầy Văn Như Cương, GS Ngô Thúc Lanh (tuổi 95) không kìm nén được cảm xúc khi nhắc đến những kỷ niệm những ngày cùng giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội.
Đối với GS Ngô Thúc Lanh, nhà giáo Văn Như Cương không chỉ là người có kiến thức uyên thâm, say mê nghiên cứu khoa học mà còn là một thầy giáo mẫu mực, cương trực và có nhiều tư tưởng tiến bộ trong việc đổi mới nền giáo dục nước nhà.
GS Ngô Thúc Lanh (áo trắng) năm nay bước sang tuổi 95 nhưng vẫn muốn đến viếng người bạn về nơi an nghỉ cuối cùng. |
Sự ra đi của PGS Văn Như Cương là sự mất mát rất lớn đối với gia đình, bạn bè, các thầy cô giáo và học sinh trường THPT Lương Thế Vinh- ngôi trường tư thục đầu tiên của Việt Nam.
Là phụ huynh có con đang học ở trường THPT Lương Thế Vinh, nghệ sĩ ưu tú Trung Anh có mặt tại nhà tang lễ từ rất sớm.
Đối với nghệ sĩ, PGS Văn Như Cương như là người cha dày dặn kinh nghiệm chỉ đường, dẫn lối cho anh thêm vững vàng trong cuộc sống.
Không chỉ học tập ở thầy nhiều kiến thức đáng quý, nghệ sĩ còn học hỏi ông những kỹ năng sống.
Đối với nghệ sĩ ưu tú Trung Anh, PGS Văn Như Cương như là người cha mẫu mực. |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã không kiềm chế được cảm xúc của mình nên đã sáng tác 1 bài thơ gửi đến vong linh của thầy:
Thầy đã dựng trường Lương Thế Vinh
Trường Dân lập đầu tiên nước mình!
Học trò được luyện sâu Tài, Đức
Thể nghiệm cho ngành: đẹp mô hình
Bệnh hiểm bao năm vẫn tận tình
Lo cho Giáo dục, cho học sinh!
Mới mấy hôm rày thầy xuất hiện
Trả lời báo chí với truyền hình
Thầy Văn Như Cương- thầy anh linh
Xin thầy phù trợ Giáo dục mình
Vượt thời lúng túng! Thôi ì ạch!
Vươn tới chân trời mới quang vinh!
Có lẽ, dành nhiều tình cảm cho thầy Văn Như Cương không thể không kể đến những em học sinh trường THPT Lương Thế Vinh.
Từ 8h sáng, hàng trăm học sinh của trường đã có mặt ở nhà tang lễ để được vào viếng người thầy đáng kính luôn ở trong trái tim các em.
Hàng trăm học sinh bày tỏ sự tiếc nuối vì mất đi một người thầy thanh liêm. |
Em Phan Việt, lớp 12V1 còn nhớ như in những hình ảnh, lời nói truyền cảm hứng cho hàng nghìn học sinh trường THPT Lương Thế Vinh.
Trong đó, em nhớ nhất là câu nói: “Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi” mà PGS Văn Như Cương phát biểu tại lễ khai giảng ngày 5/9/2015 tại trường.
Hay trong bài phát biểu của thầy Văn Như Cương nhân dịp ngày khai giảng năm học mới 2015-2016: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là những người tử tế”.
Phan Việt còn ấn tượng với những lời dạy dỗ học sinh sống trung thực của thầy giáo Văn Như Cương: “Hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỷ, hãy hòa đồng đừng đố kỵ, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a-dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông lời tục tĩu”...
Đối với không chỉ Phan Việt mà hàng nghìn học sinh khác, PGS Văn Như Cương qua đời là một sự mất mát rất lớn đối với trường THPT Lương Thế Vinh./.
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.
Nhà giáo Văn Như Cương là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông được Chính phủ công nhận chức danh PGS và có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
PGS Văn Như Cương còn chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
Thầy Văn Như Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam từ khi đất nước đổi mới. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thời gian gần đây, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Thầy nổi tiếng thẳng tính, từng nhiều lần lên tiếng chỉ rõ những hạn chế của nền giáo dục.
PGS Văn Như Cương mắc bệnh ung thư đã 3 năm nay. Hồi tháng 3/2017, thầy nhập viện điều trị. Thời gian đó, gia đình, người thân luôn tận tụy chăm sóc, ở bên thầy. Vì muốn thầy yên tâm dưỡng bệnh, các bác sĩ phải hạn chế người vào thăm.
Cho đến khoảng 1h ngày 9/10, PGS Văn Như Cương đã qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật.