UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 22/2013-UBND ngày 25/6/2013  của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Nội.

daythem.jpg

Theo Quy định này, Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội là cơ quan cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép đối với tổ chức cá nhân dạy thêm. Chủ tịch UBND các cấp quận, huyện, thị xã ủy quyền cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định của UBND TP Hà Nội. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm để phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến với cơ quan có thẩm quyền xử lý. Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm trước UBND cấp quận, huyện, thị xã và Sở Giáo dục- Đào tạo về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Quy định cũng nêu rõ, đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Theo khung giá của quy định này, mức thu phí tối đa với cấp THCS 6.000 đồng/ học sinh/ tiết, cấp THPT 7.000 đồng/học sinh/tiết với lớp có từ 40 học sinh/lớp trở lên. Mức thu phí tối đa là 26.000 đồng với cấp THCS và 32.000 đồng/học sinh/tiết với cấp THPT với lớp có số học sinh từ đến dưới 10 học sinh/lớp.

Mức thu tiền học thêm tối đa hàng năm theo tỷ lệ với mức lương tối thiểu tại cùng thời điểm. Tỷ lệ chi, 70% chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng; 15% chi công tác quản lý dạy thêm học thêm của nhà trường; 15% hỗ trợ chi tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm. Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

Quy định cũng nêu, đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thực hiện theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT./.