Chiều 14/6, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở Giáo dục –Đào tạo khẳng định đề án phổ cập bơi cho học sinh là trên cơ sở tự nguyện và không bắt buộc.

vov__ong_thong_njjl.jpg
Phó Giám đốc Nguyễn Hiệp Thống thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội, môn bơi trong các trường học là môn tự chọn chứ không phải là môn bắt buộc.

Xu hướng trong thời gian tới tùy điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi đơn vị, mỗi địa phương có thể chọn môn bóng đá, bóng rổ, bơi trong nhà trường. Mô hình học bơi trong trường học ở quận Thanh Xuân đến ngày 15/6 tới sẽ tổng kết giai đoạn 1 đề án.

Ông Nguyễn Hiệp Thống chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng đây là mô hình rất mới, đáng khuyến khích. Cá nhân tôi với trách nhiệm thành viên ban giám đốc phụ trách công tác học sinh, sinh viên sẽ cùng với phòng học sinh sinh viên và bộ phận liên quan đặt chuyên đề làm việc với Phòng giáo dục-đào tạo quận Thanh Xuân, nếu thấy phù hợp chúng tôi sẽ xem mô hình doanh nghiệp đưa bể bơi thông minh vào trường học. Đây là mô hình hay rất phù hợp không chỉ với trường ngoại thành mà cả với trường nội thành”.

Ông Thống nhấn mạnh, trong chương trình phòng chống tai nạn thương tích của thành phố Hà Nội còn có những kỹ năng ứng xử khi rơi xuống nước hoặc khi bạn rơi xuống nước nhằm giảm thiểu rủi ro.

Mới đây thành phố có chỉ thị giao cho địa phương quan tâm cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực ao, hồ, sông, suối. Các nhà trường quan tâm nâng cao các tiết học ngọai khóa, cảnh báo tới học sinh khi đi thăm quan du lịch bị rơi xuống nước hay bạn rơi xuống nước phải biết ứng xử.

“Không phải cứ biết bơi là nhảy xuống theo để cứu bạn đuối nước vì tổn thất đôi khi tăng lên rất nhiều lần. Hà Nội đã có bài học năm 2009 ở huyện Mỹ Đức trong số 6 cháu đuối nước thì có 3 cháu hàng ngày bơi qua sông nhưng khi xuống cứu bạn kéo nhau nên tổn thất tăng gấp đôi. Vì thế không chỉ biết bơi mà học sinh cần được trang bị kỹ năng khi rơi xuống nước để các cháu không hoảng hốt”, ông Thống nói.

Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết thêm: “Chúng tôi cam kết nếu mô hình thí điểm ở Thanh Xuân phù hợp sẽ triển khai ở các nơi khác trên địa bàn thành phố”.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng Phòng học sinh sinh viên (Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội), từ tháng 2/2010 Bộ Giáo dục –Đào tạo có chỉ đạo cụ thể đề án dạy bơi trong các trường tiểu học cũng như phòng chống đuối nước.

Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai chương trình phòng chống đuối nước, chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy bơi và cơ sở vật chất bể bơi. Tiêu chí đặt ra là học sinh sau khi học bơi phải bơi được 25m.  Đối với các quận nội thành việc giải quyết vấn đề bể bơi trong trường học đã được quận Thanh Xuân thí điểm làm rất tốt, 100% học sinh lớp 5 biết bơi.

Ông Phạm Hữu – Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân chia sẻ, mục tiêu đặt ra là 100% học sinh học xong chương tiểu học đều biết bơi. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhận thức giáo viên, phụ huynh học sinh, kể cả báo chí lúc đầu không ủng hộ.

Đợt 1 năm học 2015-2016, đơn vị đã tiến hành phân loại số học sinh biết bơi và học sinh không biết bơi. Các em đã biết bơi được kiểm tra bơi 25m, nếu chưa đủ cho học sinh học tiếp. Học sinh chưa biết bơi sẽ tổ chức cho các em học bơi.

Điều kiện vật chất chỉ có duy nhất 1 bể bơi tại Trung tâm thể thao quận Thanh Xuân, tổ chức bố trí cho các em bơi ở các bể bơi của các tổ chức, doanh nghiệp gần trường học và nghiên cứu lắp đặt các bể bơi thông minh tại nhà thể chất. Việc lắp đặt bể bơi thông minh khiến học sinh không mất thời gian đi lại, quản lý học sinh thuận tiện không sợ mưa nắng… Các phụ huynh yên tâm ủng hộ. Việc dạy bơi được được cấp phép của cơ quan chuyên môn.

“Mô hình trên theo chúng tôi đánh giá rất hiệu quả, đến ngày 15/6 sẽ tổng kết bước 1 và 100% học sinh lớp 5 của quận Thanh Xuân biết bơi. Tiếp đó, Thanh Xuân sẽ triển khai việc dạy bơi, học bơi đối với khối học sinh lớp 4”, ông Phạm Hữu cho biết./.