Theo điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, có đến 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh bắt nguồn từ trường học. Nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày, làm tăng nguy cơ mất nước và nhiễm trùng bàng quang. Thực tế, vấn đề vệ sinh trường học không mới, nhưng vẫn luôn là chuyện khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

vov_nha_ve_sinh_3_arqy.jpg
Một góc nhà vệ sinh tại trường liên cấp Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội)

 

Có con học tại trường tiểu học Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, anh Trần Thanh Hải cho biết, nhà vệ sinh dù được dọn sạch rác, nhưng vẫn có mùi nồng nặc.

“Thấy con hay kêu nhà vệ sinh bẩn, cháu nhịn tiểu về nhà mới đi, nên đã có lần đến trường đón con tôi vào xem thử thì đúng là bốc mùi khó chịu thật. Có lần giấy rác vứt bừa bãi, nhưng cũng có lần dù sạch rác, thì mùi vẫn khó chịu, người lớn vào còn phải nín thở chạy vội ra ngoài”, anh Hải lo ngại.

Bồn rửa tay tại trường liên cấp Nguyễn Văn Huyên được gia cố bằng túi nilon.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Quỳnh, có con học tại trường THCS Đoàn Kết, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng phản ánh rằng nhà vệ sinh luôn trong tình trạng vừa bẩn, vừa tắc, mỗi giờ ra chơi, sàn nhà vệ sinh đều ướt bẩn do học sinh rửa tay, dội nước ra ngoài.

Không chỉ mất vệ sinh, tại một số trường, số lượng nhà vệ sinh không đủ, dẫn đến tình trạng học sinh xếp hàng đợi chờ để đi vệ sinh mỗi giờ ra chơi.

Theo ghi nhận của phóng viên, Trường THCS Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) chỉ có 2 nhà vệ sinh cho học sinh và 1 nhà vệ sinh cho giáo viên. Mỗi phòng vệ sinh học sinh chỉ có có 2 bệ xí và 2 bồn rửa tay.

Một học sinh tại trường cho biết, chỉ tính riêng khối 8 đã có 5 lớp, mỗi lớp có trên 40 học sinh. “Vì các lớp rất đông, nên giờ ra chơi phải xếp hàng đi vệ sinh. Nhiều khi không có đủ thời gian lại phải nhịn, phải đợi đến khi vào lớp, hoặc giờ ra chơi tiết sau”, học sinh này cho biết.

Cũng theo phản ánh của một số học sinh tại trường THCS Láng Thượng, nhà vệ sinh giáo viên và học sinh trong trường có sự khác xa nhau. Trong khi nhà vệ sinh giáo viên luôn có đầy đủ nước rửa tay, được dọn sạch sẽ, mùi thơm tho, thì nhà vệ sinh học sinh lại luôn trong tình trạng bốc mùi khó chịu. Việc nín thở đi vệ sinh đã là chuyện thường ngày của không ít học sinh. Thậm chí, có em còn không tiểu tiện ở trường, phải nhịn về nhà.

Đáng ngại nhất là những lớp học ngay sát nhà vệ sinh, thường xuyên phải đóng cửa sổ và cửa phía cuối lớp để tránh mùi bốc lên từ nhà vệ sinh.

Cả trường THCS Láng Thượng chỉ có 2 nhà vệ sinh dành cho học sinh, dẫn đến tình trạng xếp đi vệ sinh. 
Là một trường liên cấp, song vào khu nhà vệ sinh của trường Nguyễn Văn Huyên (Đống Đa, Hà Nội) lại chưa thực sự tương xứng với khuôn viên bên ngoài. Mỗi phòng vệ sinh nam, nữ chỉ có 2 bệ xí, khu vực tiểu tiện bên ngoài đầy rác, rêu mốc. Bồn rửa tay hỏng được gia cố bằng… túi nilon. Học sinh trong trường cũng phản ánh rằng vì số lượng nhà vệ sinh quá ít, nên thường xuyên phải đợi chờ, xếp hàng mỗi giờ ra chơi.

Không thể coi đây là công trình phụ

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8/2018, cả nước có trên 188.000 nhà vệ sinh ở các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập. Hầu hết các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT công lập đều có nhà vệ sinh dành riêng cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 67,3% (riêng cấp tiểu học chỉ có 57,9% nhà vệ sinh sử dụng tốt, còn lại là bán kiên cố, tạm hoặc nhà vệ sinh nhờ mượn). Nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng yêu cầu sử dụng như số lượng xí, chỗ rửa tay còn thiếu.

Số liệu từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, tỉ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn cũng chỉ đạt 78%. Tính đến năm 2017, toàn thành phố còn  2.725 khu vệ sinh xuống cấp, chưa đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành. Ngoài ra nhiều trường còn thiếu khu vệ sinh đồng bộ, cần phải bổ sung.

Trong kế hoạch đầu năm học, một trong 9 nhiệm vụ của ngành giáo dục phải thực hiện là giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục, không đưa vào sử dụng các công trình trường, nhà vệ sinh chưa đảm bảo. Tuy nhiên, đến nay, nhiệm vụ này vẫn còn nhiều nan giải.

Theo Tiêu chuẩn Việt Nam về trường tiểu học, yêu cầu thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố: Cứ 20-30 học sinh nam có 1 hố tiểu, chậu xí và bồn rửa tay, tối đa 20 học sinh nữ sẽ có bộ 3 thiết bị này. So với quy định trong tiêu chuẩn này, phần lớn các trường công lập hiện nay đều còn thiếu quá nhiều.

Ở góc độ nhà quản lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, những năm gần đây, nhiều trường công lập đã chú trọng hơn trong vấn đề nhà vệ sinh, song việc công trình này bẩn, chưa đáp ứng, khiến học sinh khiếp sợ vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, không nên coi đây là “công trình phụ” bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, học tập của học sinh. Do đó, các trường cần chú trọng hơn đến vấn đề giáo dục ý thức sử dụng công trình công cộng trong trường cho học sinh. Vai trò của hiệu trưởng đặc biệt quan trọng. Nếu có sự đầu tư tương xứng, biện pháp quyết liệt, linh hoạt, chất lượng nhà vệ sinh sạch vẫn nằm trong tầm tay của mỗi trường./.