Từ nguyên vật liệu đơn giản gần gũi với cuộc sống như chiếc đũa, con ốc, sò biển, chai lọ, hộp nhựa.... các thầy giáo, cô giáo ở vùng biển đảo xa xôi đã có nhiều sáng tạo làm ra những đồ dùng dạy học, đồ chơi gần gũi, tạo sự hứng thú cho các em trong giờ học.
Cách dạy kết hợp vừa lý thuyết vừa thực hành đã giúp học sinh ở nơi đây có điều kiện học tập và tiếp thu được kiến thức nhanh hơn.
Góc học tập của các em nhỏ tại trường Tiểu học Sinh Tồn (Trường Sa - Khánh Hòa) |
Những năm qua, việc đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị dạy học, đồ chơi đáp ứng phần nào yêu cầu giáo dục dạy học ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng biển đảo. Tuy nhiên do điều kiện địa lý khó khăn, kinh phí còn hạn chế nên nhiều thiết bị đồ dùng học tập ở những điểm trường này vẫn còn thiếu.
Khắc phục khó khăn, nhiều thầy giáo, cô giáo ở xã đảo đã tìm tòi, sáng tạo đồ dùng học tập từ nguyên vật liệu có sẵn của địa phương như viên sỏi, con ốc, con sò biển... tạo thành que tính, đồ chơi giúp trẻ hứng thú với việc học tập.
Những vật liệu gần gũi này tưởng như chỉ là đồ bỏ đi nhưng với sự khéo léo của giáo viên đã thu lượm, làm sạch tạo nên những đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao. Các em tiếp thu được kiến thức nhanh hơn.
Thầy giáo Lê Văn Quyết, giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Càng dạy vùng khó khăn, điều kiện thiếu thốn càng làm cho người giáo viên từ cái khó ló cái khôn. Ví dụ như từ những que tính, nếu thiếu chúng ta có thể bẻ những nhánh cây, những chiếc đũa và những hòn sỏi, con ốc. Từ đó, tôi nhận thấy học sinh rất thích thú những đồ dùng học tập đó. Thậm chí có những câu chuyện như Thạch Sanh, nếu kể sẽ rất mơ hồ, những bức tranh ảnh đó ngoài biển đảo hầu như không có. Vì học sinh mầm non rất thích nên tôi đã vẽ những bức tranh, vừa kể vừa đưa ra để các em học”.
Thầy giáo trẻ và 4 học sinh tiểu học ở đảo Sinh Tồn |
Giáo viên không chỉ sáng tạo tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mà còn không ngừng học hỏi tiếp thu những kiến thức, phương pháp mới để đáp ứng chương trình mới mà ngành giáo dục đề ra.
Gần chục năm gắn bó với trường lớp xã đảo, thầy giáo Lương Quốc Hùng, giáo viên Trường Tiểu học, THCS Thổ Châu, tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện cơ sở vật chất của trường đã được cải thiện hơn so với trước nhưng đồ dùng, đồ chơi vẫn thiếu nhiều, mạng Internet chập chờn, gần như không có.
Thầy Hùng tranh thủ những lúc vào đất liền tìm kiếm tài liệu tham khảo mang ra đảo, cập nhật thông tin về phương pháp dạy học mới để áp dụng dạy cho học sinh của mình.
Dù còn gian nan, vất vả do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng với tình yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo đã nỗ lực hết mình để gieo con chữ, mang tri thức đến cho học sinh, giúp các em tiếp cận được cách học mới, hiện đại, không bị lạc hậu so với học sinh ở đất liền.
Chia sẻ cảm xúc nhân dịp Tết đến, Xuân về, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang đã có 29 năm bám đảo mong muốn: “Tôi mong muốn tất cả các em trên xã đảo Lại Sơn nói riêng và tất cả các em ở xã đảo của nước ta nói chung được tiếp cận những phương tiện dạy học hiện đại như máy vi tính, máy chiếu, phòng dạy ngoại ngữ... để các em theo kịp thời đại hiện nay.
Dù khó khăn đến mức độ nào, nhưng bằng lương tâm nghề nghiệp của mình, chúng ta phải cố gắng vượt qua và sẽ thành công trong công việc mình theo đuổi”./.