Tại cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước diễn ra chiều 16/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

2501682017_pxfc.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước chiều 16/8

Cần có nguồn kinh phí để đảm bảo hoạt động của trường sư phạm

Có thể nói, nguyên nhân khiến một số trường sư phạm lấy điểm chuẩn thấp là vì từ vài năm nay, có những ngành tuyển sinh gặp khó khăn và vì tạo điều kiện học tập cho thí sinh vùng sâu, vùng xa cũng như đảm bảo đủ chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh.

Trước quy định mới sẽ quy định mức điểm sàn với các trường ĐH,  CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, năm nay, những trường ĐH sư phạm truyền thống, có uy tín, chất lượng đào tạo vẫn lấy điểm chuẩn từ 18 điểm trở lên.

Những trường sư phạm ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng vẫn có điểm chuẩn ở tốp cao. Phần còn lại là tại các trường ĐH sư phạm ở địa phương và các trường CĐ sư phạm. Một số trường ĐH sư phạm lấy điểm chuẩn chỉ bằng với mức điểm sàn (15,5 điểm). Đặc biệt, có trường CĐ sư phạm lấy điểm chuẩn dưới mức điểm sàn, có trường lấy tổng số điểm 3 môn chỉ có 9 điểm.

Trong thực tế chỉ tiêu của các trường sư phạm đi kèm theo tài chính. Do đó, nhiều trường xem việc tuyển đủ chỉ tiêu là một việc quan trọng để đảm bảo hoạt động của trường.

Tuy nhiên, nếu để đảm bảo kinh phí hoạt động, các trường sư phạm có thể sắp xếp công việc phù hợp như thay vì đào tạo các ngành mới thì nên tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện tại để thực hiện đổi mới. Lúc đó, vấn đề chỉ tiêu sẽ không còn quá quan trọng với các trường.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, để đảm bảo chất lượng đào tạo sư phạm, cần sớm có các giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô cho tới các bộ ngành, địa phương; đừng để tình trạng các thầy cô giáo làm việc không mong muốn mà buộc phải hoạt động, buộc phải tồn tại. Đây là bài toán cần phải giải quyết cấp bách.

Chỉ với 3 điểm/môn, thí sinh có thể vào học tại trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh

Không thể để các trường tuyển sinh bằng mọi giá

Trước vấn đề siết chặt nguồn tuyển sinh vào các trường sư phạm, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm cho rằng, mặc dù Bộ GD-ĐT đã bỏ điểm sàn hệ CĐ nhưng để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào”, các trường ĐH Sư phạm phải lấy điểm chuẩn trên mức điểm sàn.

Luật Giáo dục ĐH đã cho phép các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, vì chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai và vì uy tín đào tạo, các trường ĐH Sư phạm cần phải cân nhắc kỹ khi lấy thí sinh dưới mức điểm sàn.

GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý, năm 2016, nước ta có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là hệ lụy việc buông lỏng quản lý “đầu vào” nên mới có thực trạng nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng mọi giá để có thể tồn tại. Nếu bây giờ các trường ĐH Sư phạm lấy điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn thì chất lượng đào tạo giáo viên sẽ xuống dốc.

Nước Mỹ có nền giáo dục phát triển được định hình rất rõ. Sau khi học hết THPT, ngành giáo dục nước này phân chia rõ những học sinh nào sẽ vào học hệ Cao đẳng, ĐH.

Còn ở nước Anh, mỗi năm đều tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia chung. Kết quả điểm thi được phân rõ trình độ của từng thí sinh sẽ được chia vào học theo từng loại trường ĐH phù hợp.

Dù không công bố điểm sàn nhưng với những hình thức trên cũng được coi là có một ngưỡng đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào”.

Từ mô hình của các nước có nền kinh tế và giáo dục phát triển, chúng ta cần phải tính toán kỹ, siết chặt nguồn tuyển sinh vào các trường ĐH, chứ không phải là tuyển sinh bằng mọi giá./.

Theo số liệu thống kê đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm chính quy 2017, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển, có 23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên (điểm trúng tuyển trung bình là 27,75 điểm); 158 ngành lấy điểm xét tuyển từ 20 đến dưới 25 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 23,35 điểm); 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 20 điểm). Đặc biệt có 197 ngành tuy lấy điểm xét tuyển dưới 15,5 điểm song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5 điểm.

Như vậy, có rất nhiều thí sinh nhập học đạt điểm cao hơn mức điềm chuẩn đầu vào mà các trường sư phạm đặt ra.

Trong số đó, số lượng thí sinh nhập học có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn rất ít. Cụ thể, trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế chỉ có chưa đến 1% thí sinh có điểm trúng tuyển ở mức 15,5 điểm.

Trường Đại học Vinh chỉ có 44/638 thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm dưới 18 điểm, trong đó chỉ có 2 em có điểm trúng tuyển ở mức 15,5 điểm (đăng ký vào ngành giáo dục quốc phòng an ninh).

Tuy vậy, việc một số trường đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai./.