Áp lực phải thay đổi

Hơn 20 năm làm công tác quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình, thì việc trước tiên chính là bồi dưỡng, tập huấn để giúp giáo viên “làm mới chính mình”.

ts_ng_van_hoa_exke.jpg
TS. Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Từ thực tiễn đang được áp dụng tại trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TS Nguyễn Văn Hòa khẳng định: “Việc dạy trong nhà trường là dạy con người, phát triển năng lực cá nhân để chiếm lĩnh tri thức. Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cần có những khóa đào tạo để các giáo viên bắt kịp chương trình mới trước tiên. Các trường sư phạm cũng cần xác định mục tiêu đào tạo giáo viên của mình, đó là đào tạo những người làm thầy và truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh. Từ những năm qua, giáo viên trường chúng tôi, bên cạnh việc theo các khóa học của Bộ và Sở, cũng đã chủ động tìm hiểu chương trình mới, làm mới bản thân mình trong hoạt động giảng dạy”. Đây là vấn đề cốt lõi mà những người đang trực tiếp đứng trên bục giảng rất quan tâm, khi chính các thầy cô phải bắt kịp với chương trình giáo dục phổ thông mới, để không bị “bỏ lại” sau lộ trình này.

Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên trường THCS Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ áp lực của mình cùng nhiều đồng nghiệp: “Chúng tôi đều thấy lo lắng, không biết cơ hội của mình sẽ ra sao, bởi tình trạng thừa thiếu giáo viên đã xảy ra ở nhiều địa phương trong các năm gần đây. Khi áp dụng chương trình mới, có các môn tích hợp, rồi chuyển từ việc chủ yếu cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực học sinh, giáo viên miền núi như chúng tôi sẽ phải dạy ra sao để đáp ứng yêu cầu, điều này khiến tôi khá áp lực”.

Cũng theo cô Nga, việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ hiện nay cũng rất linh hoạt, tổ chức theo hình thức tại chỗ và trực tuyến, nên chỉ cần có máy tính nối mạng internet là có thể tham gia.

“Chúng tôi học tập và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, giảng dạy qua máy tính. Điều này giúp tôi và nhiều nữ giáo viên khác có con nhỏ cũng hết sức thoải mái về thời gian mà không phải đi xa, tập huấn tập trung dài ngày như trước đây, nhưng vẫn đảm bảo kiến thức thu nhận được theo chương trình giao dục phổ thông mới”, cho Nga nói.

Các thầy cô giáo phải làm mới chính mình trước tiên để theo kịp lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có thiếu giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới?

Theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; Năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; các năm tiếp theo sẽ thực hiện ở các lớp còn lại.

Trước lo lắng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý liệu đáp ứng đủ yêu cầu đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới hay không, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, về cơ bản đội ngũ giáo viên không thiếu khi số giáo viên cần đáp ứng chương trình cũ và mới không quá chênh lệch, do đó không lo về nguồn tuyển.

Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (Chương trình ETEP) triển khai từ năm 2016 dự kiến sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cốt cán sẽ được tập huấn, bồi dưỡng 54 module liên tục trong 3 năm. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 850.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua mạng.

 Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.

Ví dụ thực tế tại Lào Cai, một tỉnh vùng cao, biên giới có 72% số học sinh là người dân tộc thiểu số, những năm qua, toàn tỉnh có 100% các trường tiểu học dạy hai buổi/ ngày với gần 80.000 học sinh. Ngoài học các môn học bắt buộc, học sinh còn được học các môn học tự chọn và tham gia các câu lạc bộ yêu thích cũng như các hoạt động trải nghiệm. Do đó, khi bắt tay vào công tác chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Lào Cai đã từng bước khắc phục khó khăn, hướng tới những mục tiêu theo đúng lộ trình. Trong năm học 2018 - 2019, Lào Cai có 8 trường được Bộ GD-ĐT lựa chọn thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết, đến năm 2020, tỉnh quyết tâm xóa toàn bộ phòng học tạm, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng GD-ĐT và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, với kinh phí đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.

“Tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên; Chỉ đạo cán bộ quản lí, giáo viên tích cực nghiên cứu và triển khai các hoạt động giáo dục tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới... Về cơ bản, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được yêu cầu của trương trình giáo dục phổ thông mới, ưu tiên lớp 1 và tiến tới là các lớp tiếp theo”, ông Ninh cho biết./.